Ngày 19 tháng 5 năm Đinh Mão (1867), quân Pháp bất thần tấn công, chiếm lấy tỉnh Vĩnh Long và vài ngày sau, hai tỉnh An Giang và Hà Tiên cũng bị giặc chiếm. Thế là toàn cõi Lục tỉnh Nam kỳ đều lọt vào tay giặc.
Kể từ khi quân Pháp chiếm Sàigòn, năm 1859, và sau đó, tỏa ra chiếm luôn Biên Hòa và Định Tường, ép triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước Nhâm Tuất (1862), nhường đứt ba tỉnh miền Đông cho chúng, không ngày nào là không có những anh hùng nghĩa sĩ nổi lên đánh Pháp. Ông cử nhơn Đỗ Trình Thoại nổi lên ở Tân Hòa, ông cử nhơn Phan Văn Đạt ở Tân An, ông Trương Định ở Gò Công, ông Nguyễn Trung Trực ở Tân An, rồi về Rạch Giá, ông thủ khoa Nguyễn Hữu Huân ở Mỹ Tho, ông Thiên Hộ Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười...
Các nhà nho như thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, ông tú tài Nguyễn Đình Chiểu, ông cử nhơn Phan Văn Trị, ông cử nhơn Phan Văn Đạt, ông cai tổng Lê Quang Chiểu dùng văn chương chống Pháp và kích động lòng yêu nước của dân chúng.
Một cuộc khởi nghĩa quan trọng, nhưng ít được sử sách nhắc tới là cuộc khởi nghĩa của ông Trần Văn Thành ở Bảy Thưa, thuộc Châu Đốc.
Ông Trần Văn Thành, quê ở Cồn Nhỏ, Châu Đốc, xuất thân trong gia đình khá giả, tài kiêm văn võ. Ông đã từng đứng ra mộ tráng đinh, lập thành một đạo quân để chống lại người Miên qua cướp lúa dân trong vùng, nên được vua Thiệu Trị phong làm Chánh Quản Cơ. Đến đời vua Tự Đức, ông vẫn giữ chức vụ nầy.
Bởi ông có công dẹp giặc cướp, lại trượng nghĩa khinh tài, hay giúp đỡ những người nghèo đói, hoạn nạn, và bởi ông làm chức Quản Cơ của triều đình, nên dân chúng trong vùng gọi ông một cách kính cẩn là Đức Cố Quản.
Ông Trần Văn Thành lại là đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An, thuộc phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông đã được Đức Phật Thầy trao cho một cây cờ, một cái ấn và một tấm áo màu dà, để dùng trong công cuộc đền nghĩa núi sông.
Ông đã kết hôn với bà Nguyễn Thị Thạnh, người ở rạch Sa Nhiên, Sa Đéc. Theo người cố cựu nói lại, vóc người bà rất nhỏ bé, nhưng võ nghệ cao cường, chữ nghĩa cũng rất rành.
Vì ông được gọi là Đức Cố Quản, bà cũng được gọi là Đức Bà Cố Quản.
Sau khi quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, các quan chức của nhà Nguyễn đã theo lịnh triều đình rút về Bình Thuận và Huế để chờ nhận chức vụ khác. Ông ở lại miền Nam, lo tổ chức đánh Pháp, giành lại đất nước.
Ông đưa quân về lập chiến khu ở rừng Bảy Thưa, nằm giữa Long Xuyên và Châu Đốc. Ông phát hịch, chiêu mộ thêm nghĩa binh, mở mang đồn trại, chế tạo võ khí.
Một thuộc hạ của ông là Đề Đốc Văn, đã thiết lập 5 lò đúc, để vừa đúc súng, vừa chế tạo đạn. Chỉ tiếc rằng súng đúc được, nạp đạn ở đằng miệng, có tầm bắn gần, không thể nào sánh bằng súng của giặc Pháp.
Khi lực lượng bắt đầu mạnh, ông Trần Văn Thành đã phất cờ khởi nghĩa, đặt tên cho đạo quân do ông lãnh đạo là đạo quân Gia Nghị.
Trong mọi cuộc sinh hoạt của đạo binh Gia Nghị, Đức Bà Cố Quản luôn luôn đóng một vai trò quan trọng. Chính bà đã chỉ huy đào một con kinh nối liền rạch Cái Dầu vào chiến khu để vận chuyển lương thực. Con kinh nầy, được gọi là kinh Ông-Bà, đến ngày nay vẫn còn được xử dụng.
Để có đủ lương thực cho nghĩa binh, Đức Bà Cố Quản đã đứng ra kêu gọi sự yểm trợ của các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đang ở rải rác khắp nơi vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên. Lương thực thu góp được, bà đã dùng con kinh đào, đưa vào chiến khu.
Bà cũng cho đào một hồ thật lớn để lấy nước ngọt và nuôi cá. Để có vải vóc may áo quần cho nghĩa binh, bà đã tổ chức trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.
Có thể nói rằng, trong khi Đức Cố Quản lo tổ chức quân đội, huấn luyện nghĩa binh, Đức Bà đã đảm nhận công việc hậu cần, lo tiếp tế lương thực, quân nhu cho nghĩa binh.
Nghe tin tức những hoạt động của đạo binh Gia Nghị, quân Pháp đã nhờ một người quen biết trước với Đức Cố Quản, lặn lội vào Bảy Thưa để dụ hàng. Nhưng Đức Cố Quản đã trả lời rằng:
- Ta thà cùng quân sĩ bỏ xác nơi rừng nầy, chớ không chịu ra làm quan cho Tây đâu. Ông hãy trở về nói lại với chúng nó như thế và từ nay về sau, ông cũng đừng lãnh đi những việc nguy hiểm như vậy nữa. Tình anh em không thể làm lờn phép công hoài được.
Ông còn đọc thơ:
- Thà thua, xuống láng xuống bưng
Không thà đầu giặc, lỗi chưng quân thần
Sau đó, Đức Cố Quản đã chỉ huy đạo quân Gia Nghị, tấn công các đồn bót của quân Pháp ở khắp nơi. Ngày nay, những người cố cựu còn kể lại các trận đánh hào hùng của đạo binh Gia Nghị ở Tri Tôn, ở Chắc Cà Đao và các trận vây khốn đồn Tịnh Biên, đồn Cây Mít.
Vào tháng 2 năm 1873, quân Pháp đã huy động cả hải, lục quân, có tàu sắt, súng đồng yểm trợ, từ nhiều mặt tấn công vào Bảy Thưa, theo sự dẫn đường của Trần Bá Lộc.
Nghĩa quân đã chống cự nhiều ngày, đến cạn cả đạn dược.
Đến ngày 21 tháng 2 năm 1873, nghĩa quân phải lui vào cố thủ ở đồn Gia Trung, là tổng hành dinh của đạo quân Gia Nghị. Nhưng, cuối cùng, đồn nầy cũng bị thất thủ. Đức Cố Quản bị đại bác bắn tan xác khi ông đang chỉ huy nghĩa quân chiến đấu ở mặt thành.
Trong trận nầy, người con út của Đức Cố Quản là Trần Văn Chái, mười bảy tuổi, bị giặc bắt trong lúc đang chiến đấu.
Đức Bà Cố Quản được người con lớn là cậu hai Trần Văn Nhu đưa đi trốn vào rừng sâu ở Láng Linh.
Cậu Trần Văn Chái bị Pháp đưa về giam ở nhà ngục để điều tra.
Tới đây mới thấy cái gan và lòng nghĩa khí của Đức Bà Cố Quản.
Cuộc kháng chiến thất bại, nghĩa binh tan rã, chồng bị chết, con bị bắt, nhưng bà vẫn cố nén nỗi đau đớn, để giữ tiết tháo và đại nghĩa. Bà đã viết một bức thơ, cuốn vào một con dao nhỏ, dấu trong ruột một đòn bánh tét, nhờ người đem tới nhà giam An Giang, trao cho con trai út.
Bức thơ ấy có nội dung như sau:
“Con đã bị giặc bắt, ấy là gần xong bổn phận của con. Nếu kẻ thù cứ đem lợi danh mà cám dỗ, con liệu không thoát được mà về, mẹ muốn con hãy tự dùng dao nầy mà quyết định đời con, để bảo tồn danh tiết cả nhà ta, lâu nay đã hy sinh vì đất nước...”
Vài ngày sau, cậu Trần Văn Chái đã dùng con dao của mẹ gởi vào, tự tử chết trong nhà ngục An Giang, đúng vào ngày sinh nhựt thứ 18 của cậu.
Quân Pháp tung người ra truy lùng thân nhân của Đức Cố Quản. Ông Hai Trần Văn Nhu phải giả làm người Tàu, trốn lên Nam Vang, sống lẩn lộn trong một xóm Hoa kiều trong nhiều năm.
Đức Bà Cố Quản, được sự giúp đỡ tận tình của các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, đã kéo dài cuộc đời, cho đến ngày cuối cùng tại các trại ruộng của Giáo Phái nầy...
Trong lịch sử đông tây cổ kim, người ta thấy có vài trường hợp người mẹ hy sinh mạng sống để cho con có cơ hội làm nên nghiệp lớn, như bà mẹ ông Phạm Ngũ Lão, đời nhà Trần, đã tự tử để cho con đầu quân cứu nước, lập nghiệp hiển hách với đời. Hay, như ở bên Tàu, bà mẹ ông Vương Lăng đã tự tử để cho con yên lòng mà theo phò Hán Cao Tổ.
Nhưng, mẹ mà đưa dao, biểu con tự tử để bảo toàn danh tiết của gia đình, giữ đại nghĩa của dân tộc, thì có lẽ, chỉ có trường hợp của Đức Bà Cố Quản Nguyễn Thị Thạnh.
Thế mới biết, đạo sống của dân tộc Việt Nam, về ơn ông bà, nợ đất nước, nghĩa đồng bào, đã ăn sâu trong lòng của Đức Bà Cố Quản.
Chính nhờ vào đạo sống nầy mà dân tộc Việt Nam còn tồn tại đến mãi ngày nay, trong khi các quốc gia chung quanh Trung Hoa, cũng như các dân tộc trong dòng Bách Việt đều bị tiêu diệt hết...
NGÔ PHỤNG ANH
(Trích trong Kỷ Yếu Thư Viện Việt Nam năm 2001)
ĐỌC THÊM:
CON KHỈ TỀ THIÊN
ĐẤT SÀI GÒN NAM THANH NỮ TÚ
DỦ HỌC DỦ NGU