DẪN: Phải dẫn lại một phần lời “chào hàng” của tác giả CO KHANH khi giới thiệu khu “đồ quý” ở Thư Viện Việt Nam Little Saigon quận Cam, California.
Có hình mới chụp đầu tháng 11 năm 2023.
Lần trước tui có kể rằng:
Trong hàng chục chiếc tủ gỗ "thủ công", có nhiều "đồ quý" do đồng bào khắp nơi tặng để cho con em trong cộng đồng biết về thủ công nghệ và những "đồ quý" của cha ông.
(Nay có hình đi kèm đây nè:)
Mươi cái tủ ban đầu do cặp Hướng đạo sinh Dũng-Phương (đoàn sinh của Nhà văn Nguyễn Đức Lập) ra công đóng hì hục nhiều ngày, vào ban đêm, vì ban ngày phải đi làm kiếm cơm. Kiểu tủ này độc nhất vô nhị, bảo đảm lùng mua khắp thế giới cũng không có (nếu quý bạn không tin, ghé ngang Thư Viện của chúng ta để thấy tận mắt).
Chưa hết. Các em Hướng Đạo Sinh lấy Eagle Scouts cũng thi nhau làm tủ đựng đồ quý cho Thư Viện. Em nào làm thì được ban quản trị TVVN chứng nhận ký giấy để nộp cho Châu (Hướng Đạo), và các em được đính bản tên của mình vào chiếc tủ đó. Có em nay đã là... ông cụ non ba bốn chục tuổi rồi!
Bụi phủ đầy trên các tủ và cả trong hàng chục kệ sách dài. Lý do: ban sáng lập, sau khi có hai cụ quy tiên, còn lại 3 vị nhưng chỉ có 2 vị còn khỏe thường lui tới nhưng tuổi cũng không còn "cường tráng" nữa. Ngoài hai "lão niên" sáng lập, giàn nhơn sự loay hoay rề rà, cà rịch, cà tàng gìn giữ “đồ quý” và sách cũ cũng không đông: phía nữ có 2 chị, nam thì vẻn vẹn 2 thường xuyên. Đáng lý tui cũng được kể vào số này nhưng tự xấu hổ vì không thường xuyên sinh hoạt. Nói vầy nhưng khi các anh chị gọi thì tui liền “em có mặt”.
Hồi anh Nguyễn Đức Lập còn lui tới thơ dziện, có lúc chưa chạy được tiền trả “monthly payment” mướn chỗ, méo mặt thở dài. Anh Lập an ủi anh chị Du Miên: “Giày dép còn có số 5 số 7, Thơ dziện cũng có số phần của nó…” Anh Lập nói không sai. Ì ạch nhưng nay sắp kỷ niệm 25 năm, ¼ thế kỷ chớ giởn chơi sao!
Nói về cái “số phần” của Thơ dziện, tui xin phép xía phần góp ý với các Anh Chị (trong nhà):
Gần hai năm trước, cả 3 anh trong ban sáng lập và thiện nguyện viên họp và quyết định “tìm anh chị em trẻ” tiếp nối, lo điều hành Thơ dziện.
Tui còn nhớ không phải mới vài năm nay mà ngay cả hồi anh Nguyễn Đức Lập còn sinh tiền, các anh cũng đã từng giao vai trò “điều hành” (CEO) cho một số bạn trẻ thiện chí, có khi có cả thù lao (tương đối). Với thù lao tượng trưng đó đã không giữ chân được người tài.
Tới lúc (năm 2022) gợi ý bàn giao cho một tổ chức cùng mục đích. Sau nhiều tháng ngày nói chuyện, bàn bạc, rốt cuộc cũng không xong, không giao.
Lý do rất đơn giản:
Chỗ muốn nhận đã cho luật sư soạn hợp đồng ràng buộc những điều kiện khắt khe:
1- Sau khi bàn giao cho đến sau này (mãi mãi), nếu độc giả khi đọc sách mà lỡ bị nhiễm trùng hay ngộ độc (?) vì vi khuẩn trên sách cũ đó thì Thư Viện Việt Nam và người trách nhiệm (ban sáng lập) chịu trách nhiệm bồi đền trước pháp luật (*)
(LỜI TUI BÀN: * Về 3 ông sáng lập biết sống lâu không? Đến bao giờ? Và tổ chức Thư Viện Việt Nam (nếu bàn giao) thì coi như giải thể, lấy ai (ban sáng lập) và Thư Viện Việt Nam đóng cửa rồi thì “bồi đền” cái gì?)
2- Nếu những sách trong Thư Viện Việt Nam mà không hợp với sứ mạng của họ thì: 1- hoặc là họ loại bỏ; 2- hoặc là họ cho những tổ chức khác. (**)
(LỜI TUI BÀN: (**) Nghe lóm được rằng khi đọc điều kiện này, mọi người không bàn tiếp mà đi đến quyết định quyết liệt: không bàn giao. Vì sao? 24 năm qua mọi người chắt chiu gom giữ sách bị Việt Cộng đốt, hủy diệt. Nay đi giao cho người không cùng chí hướng giữ gìn sách bị Việt Cộng đốt và hủy diệt – Vì họ sẽ loại bỏ! Hoặc cho tổ chức khác… Cuối cùng sách Việt Nam Cộng Hòa cũng không còn tồn tại. Uổng công toi của bà con mình).
Như vầy thì “cái số” của Thơ diện và “cái số” của toàn thể ban sáng lập và các thiện nguyện viên… cũng tiếp tục lênh đênh!
Biết là vầy nhưng sẽ có ngày người chịu trách nhiệm “chạy tiền” ngã lăn đùng, đi theo hai anh Trầm Tử Thiêng và Nguyễn Đức Lập thì làm sao?
- Ai cho chỗ để chứa được trên 50 ngàn cuốn sách và “đồ quý” này? (Nay bốn ngàn sq.ft. mà vẫn chật ních!)
…
Có những việc không dám nghĩ tiếp…
Khi tui kể chuyện nầy ra đây là đã sau hai năm. Những “cụ” đã chồng thêm tuổi lên tới 2 đợt.
Giải pháp đưa sách lên mạng, qua website được chọn.
Đó là lý do để chúng ta được biết đến website “lovelittlesaigon.org”
…
Tui đã hứa chụp hình, rồi mai mốt sẽ quay phim video để giữ lại và phổ biến những gì có ở Thơ dziện mình.
Nhìn vào các tủ đóng bằng tay này, quý bạn sẽ được nhìn thấy nhiều “đồ quý” gắn bó đến người Việt Nam, quê hương Việt Nam.
Sẽ có ngày giới thiệu những nét độc đáo của Thư Viện VN qua hình ảnh và ghi chép để quý bạn ở xa có thể mường tượng ra cái Thư Viện của mình: ở thủ đô tị nạn Little Saigon (2023).
NGÀY XƯA:
Khi còn nước ta có Thư viện khắp nơi, đủ cấp từ quốc gia đến địa phương. Đến các trường học cũng có thư viện riêng.
Có ngân sách quốc gia, có địa điểm và đặc biệt là có nhơn viên chuyên môn được hưởng lương bổng.
NGÀY NAY:
Tiền túi cá nhơn (của người hoặc nhóm chủ trương+người có lòng), chỗ phải thuê mướn, nhơn viên thiện nguyện.
Có người muốn biết “Thơ dziện” làm được gì?
(Phài chăng muốn hỏi khó: Làm được gì mà cần phải giữ nó?)
Câu này khó nghen!
Vì sao mà khó?
Hầu hết mọi người, từ ban sáng lập đến các thiện nguyện viên (nhiều lớp suốt 24 năm qua) đều lấy sự khiêm tốn, dè dặt để cố hoàn thành một số mục tiêu.
Tui viết đại ra đây, anh chủ biên (Admin) và các anh sáng lập còn sống không cho đăng tải thì dẹp xuống. Tui chịu. Và tui cũng chịu “bị kiểm duyệt” cắt bỏ cái nào không được đề cập hay không nên nói tới…
Có thể để quả quyết với chính mình “Có chi đâu mà sợ” nhưng đồng thời cũng tự an ủi “Mình không nói thì chẳng ai nói và chẳng ai được biết cả”.
Đừng nghe thế mà hết hồn!
1- KỂ CHUYỆN CỔ TÍCH: Anh Trần Lam Giang viết lại bộ cổ tích mấy ngàn trang, chia làm 3 cuốn. Không nhận mình là “tác giả” như xưa nay nhiều thế hệ đã làm. Ta đọc cổ tích của tác giả này, tác giả nọ (đầy dẫy từ xưa tới nay).
Các em hỏi thì được các anh trả lời:
Chuyện cổ tích cùng với ca dao tục ngữ được cha ông chúng ta truyền lại (qua miệng trực tiếp từ người qua người). Đây là nét độc đáo của văn hóa Việt Nam.
Lịch sử bảy tám ngàn năm lập quốc đã mờ nhạt. Trải qua nhiều thăng trầm, tộc Việt hiền hòa phương Nam đã bị các tộc du mục man rợ phương Bắc đánh chiếm, giết hại, hủy diệt, đồng hóa. Nay còn lại Việt Nam mình trong khi các anh em cùng tộc khác đã bị đồng hóa, tiêu diệt.
Chỉ cần lấy 1 ví dụ đời nhà Minh (bên Tàu) cai trị nước ta, Minh thành tổ Chu Đệ đã:
Trong sắc chỉ 10 điều của Minh Thành Tổ gửi Tổng binh Chu Năng, bên cạnh những điều căn dặn tỉ mỉ về cách chế ngự “hoả khí” lợi hại của cha con họ Hồ, về việc tịch thu sổ sách kê khai nhân khẩu và ruộng đất, hoặc đập phá cột đồng trụ,... còn một điều đặc biệt hơn mọi điều kia: “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại [sách] ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn”
Nguyên văn: 兵 入 。除 釋 道 經 板 經 文 不 燬 。外 一 切 書 板 文 字 以 至 俚 俗 童 蒙 所 習 。如 上 大 人 丘 乙 已 之 類 。片 紙 隻 字 悉 皆 燬 之 。其 境 內 中 國 所 立 碑 刻 則 存 之 。 但 是 安 南 所 立 者 悉 壞 之 。 一 字 不 .
“Nhiều lần đã bảo các ngươi rằng phàm An Nam có tất thảy những sách vở văn tự gì, kể cả các câu ca lý dân gian, các sách dạy trẻ, như loại “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết, và tất thảy các bia mà xứ ấy dựng lên thì một mảnh một chữ hễ trông thấy là phá hủy lập tức, chớ để sót lại. Nay nghe nói những sách vở do quân lính bắt được, không ra lệnh đốt ngay, lại để xem xét rồi mới đốt. Quân lính phần đông không biết chữ, nếu đâu đâu cũng đều làm vậy thì khi đài tải sẽ mất mát nhiều. Từ nay các ngươi phải làm đúng như lời sắc trước, truyền cho quân lính hễ thấy sách vở văn tự ở bất kỳ nơi nào là phải đốt ngay, không được lưu lại”.
Điều khoản bổ sung vào sắc chỉ đề ngày 21 tháng Năm năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), Việt kiệu thư, Q. 2, tờ 33a. Nguyên văn: 屢 嘗 諭 爾 凡 安 南 所 有 一 切 書 板 文 字 。 以 至 俚 俗 童 蒙 所 習 。 如 上 大 人 丘 乙 已 之 類 。片 紙 隻字及 彼 處 自 立 碑 刻 。見 者 即 便 毀 壞勿存 。今 聞 軍 中 所 得 文 字 不 即 令 軍 人 焚 毀 。必 檢 視 然 後 焚 之 。 且 軍 人 多 不 識 字 。 若 一 一 令 其 如 此 。必 致 傳 遞 遺 失 者 多 。爾 今 宜 一 如 前 敕 。號 令 軍 中 但 遇 彼 處 所 有 一 應 文 字 即 便 焚 毀 。 毋 得 存 留.
(Muốn xem toàn bộ vui lòng vào link: https://nghiencuulichsu.com/2013/10/29/ve-cuon-viet-kieu-thu/)
Giặc đốt, phá, triệt diệt không phải một lần của nhà Minh mà trước triều Minh và sau triều Minh, đã vô số lần bọn du mục bắc phương đã làm.
Vì không được truyền lịch sử, túi khôn, kinh nghiệm, văn hóa của mình qua sách vở, chữ viết nên cha ông chúng ta đã phải truyền miệng: kể chuyện (cổ tích), hát ru con và 2 cách "truyền khẩu" này trở thành một phương cách toàn vẹn để duy trì được văn hóa của mình. Chính văn hóa đó giữ được nòi giống.
Bởi thế chuyện cổ tích không phải là sáng tác của một ai, ngay cả người viết nó (vì họ chỉ ghi, viết lại theo lời kể của cha ông).
Anh Trần Lam Giang chỉ kể chuyện cổ tích, làm người kể chuyện. Kể lại những chuyện mà chúng ta được ông bà, cha mẹ, cô dì… kể cho chúng ta nghe ngay từ thời thơ ấu.
Những năm sau này, nhiều người “sáng tác” chuyện cổ tích và thường “lái” các nội dung để lấy lòng cường quyền đang cai trị đất nước.
Là một nhà giáo, anh Trần Lam Giang đã ngồi kể chuyện bằng chữ viết để cố “bảo tồn” nguyên gốc các chuyện được cha ông chúng ta đời này qua đời kia truyền lại.
2- BÁCH VIỆT TIỀN CHÍ: Sau khi Thư Viện Việt Nam phát hành bản dịch của Nhà giáo Trần Lam Giang (2006), thấy có khá nhiều người tự nhận họ là người dịch và “phát hiện” ra cuốn sử cổ này. Trước năm 2006 chưa hề có ai tự nhận như thế cả.
Vì sao?
Ngay cả Quốc Sử Quán triều Nguyễn từng “mơ” đọc được một trang của bộ sử này. Đến gần chúng ta hơn, nhà văn đi làm cách mạng Nhượng Tống đã biết được một phần của bộ sử này mà thôi.
Vì sao ư?
Cuốn sử do Âu Đại Nhậm viết từ thời nhà Minh ấy “được” nhà Thanh “ưu ái” dồn vào đại kho “tứ khố toàn thư” vô vàn thư tịch của lịch sử Tàu từ cổ đại đến nhà Thanh. Một cuốn sử mỏng mấy trăm trang như một hạt cát nhỏ trong đống “tứ khố toàn thư” đó.
Sao mà Thư Viện Việt Nam có được bộ sử này để Nhà giáo Trần Lam Giang dịch sang tiếng Việt?
Để tui nói cho mà nghe nè (theo lời các anh kể lại):
Thơ diện Đại học Hoa kỳ có cuốn này mà ly kỳ hơn là cả hai phụ nữ liên quan đến giai đoạn 1 tìm ra sách và giai đoạn 2 so đọ để biết thiệt giả đều KHÔNG BIẾT CHỮ NHO!
Khi ba anh Trầm Tử Thiêng, Trần Lam Giang và Nguyễn Đức Lập đi thuyết trình cho các đoàn thể trẻ (những năm 1980-1990), khi các em hỏi đến “nguồn gốc dân tộc”, anh Trần Lam Giang có nói về cuốn “Bách Việt Tiên Hiền Chí” và tiết lộ của anh Giang đã gây sự quan tâm của một em nữ sinh viên tên là Thúy.
Em Thúy đã âm thầm “vẽ” ra một câu chuyện và tự mình đi tìm, được sự hỗ trợ của quản thủ thư viện.
Khi em tìm ra cuốn sách “như anh Trần Lam Giang mô tả”, em gởi qua bưu điện về Nam California. Anh Nguyễn Đức Lập và anh Du Miên “hết hồn”, lập tức điện báo cho anh Trần Lam Giang.
Từ San Jose, anh Trần Lam Giang lập tức lái xe xuống Nam California (mất hơn 6 tiếng), uống một ly cà phê cho tỉnh người rồi ba anh em bu quanh cuốn cổ sử mà em Thúy “copy” từ Thư Viện Đại Học.
Anh Giang: “Đúng như anh Lập nói, đây là “Bách Việt Tiên Hiền Chí” của Âu Đại Nhậm!”
Vui và điện ngay cho em Thúy. Dù vui thì vui thiệt nhưng bước kế tiếp là phải truy tìm so đọ để biết thiệt giả. Ta thường biết người Tàu nổi danh vì “văn hóa nhái”. Sau nhiều diễn xuất “đốt sách” từ thời Tần đến sau này, họ đã “viết lại” rất nhiều sách cổ.
Tìm được bổn sử đó nhưng bước tiếp là so dò. Người nhận nhiệm vụ so dò lại cũng là một phụ nữ “dốt đặc cán mai chữ Nho, không hề biết chữ nhứt một”: Ngọc Hà.
Nhờ ông xã từng có liên hệ lâu năm với đảo quốc Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc, và nhất là được Linh mục Đại tá Nguyễn Lạc Hóa (Tư lịnh Biệt khi Hải Yến, Cà Mau) giúp con dâu của ông (ông xã Ngọc Hà là con đỡ đầu của Đại tá Hóa) nên việc so dò tiến triển theo 2 hướng: Qua Thượng Hải (Hoa lục Cộng sản) và xuống “hầm sách” trong mộ Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan.
Giai đoạn Thượng Hải thì Ngọc Hà lo.
Theo yêu cầu an ninh đặc biệt của Đài Loan, đích thân ông xã Ngọc Hà phải đảm trách vai trò “xuống hầm mộ Tưởng thống soái” này.
So khớp rồi anh Trần Lam Giang mới dịch.
Anh Giang không khoe “vốn” chữ Nho của anh bao giờ nhưng anh Lập và anh Miên biết rõ anh Giang học chữ Nho từ nhỏ với ông ngoại, là cụ cử nhơn nức tiếng ở làng Hành Thiện, và tuổi thiếu niên lại còn được danh sĩ Sở Cuồng Lê Dư bồi bổ thêm nữa (còn thua cọp!)
Khi anh Giang trầm ngâm thì cả anh Lập và anh Miên biết đó là dấu hiệu không trơn tru.
Phải mất nhiều năm (trên dưới một thập niên) anh Giang mới dịch xong bộ cổ sử này.
Tại sao?
Nguyên bổn không chấm câu, viết theo lối-viết-không-ngọng (cách diễn giải rất riêng của anh Giang) của nòi Việt không phải là nòi Tàu nói ngọng (nói ngọng: ta nói “nước Mỹ” thì Tàu lại nói “Mỹ nước”; ta nói “bông đẹp” thì Tàu lại nói “đẹp bông” Thế thì bảo không ngọng thì thế nào?)
Âu tiên sanh (tác giả, sử gia) viết theo lối viết (hay văn phạm phổ thông của nòi Việt) nên đòi hỏi người đọc (và nhất là người dịch) phải khám phá ra điểm then chốt này.
(TUI TRỘM NGHĨ: Âu tiên sanh không muốn bọn Tàu nói ngọng hiểu rõ nội dung mà viết để lưu lại cho nòi Việt chúng ta – người Việt hiểu văn Việt, cách ghi chép của người Việt).
Bách Việt Tiên Hiền Chí bản dịch Trần Lam Giang do Thư Viện Việt Nam phát hành và tái bản 1 lần, đã bị “ai đó” chôm, bán dưới dạng PDF tràn lan trên mạng.
Thiệt hết biết!
Kể hoài cũng không hết chuyện. Tính chỉ chụp hai ba cái hình “trả nợ” các bạn đọc lovelittlesaigon.org nào dè nói sa đà qua chuyện đâu đâu…
HẸN NÓI TIẾP (nếu không bị “rầy”):
Tử cấm thành Bắc Kinh & kiến trúc sư Nguyễn An qua tác phẩm do Thư Viện Việt Nam ấn hành – Phản ứng của Tàu Chệt + Việt mất gốc toa rập…
CO KHANH
Chiều lành lạnh đầu tháng 11 lịch tây, ở Việt Eden Địa Đàng Hạ Giới Little Saigon