DẤU TÍCH NGUỒN GỐC DÂN TỘC
TRONG DÂN GIAN
– Nhân Ái Foundation, Little Saigon, California, Hoa Kỳ)
Dù thực dân phương Bắc, với mưu đồ đồng hóa, đã nghìn năm ra sức xóa bỏ cội nguồn dân tộc Việt bằng cách đốt phá đền đài bi chú, đốt sách sử, tịch thu sách quý đem về nước họ. Đối phó với hành vi nham hiểm ấy, người dân Việt một mặt tồn trữ văn hóa vào văn chương truyền khẩu, một mặt luân lưu ngọc phả tiền nhân một cách kín đáo, can đảm, trường kỳ trong dân gian, sao chép chia nhau gìn vàng giữ ngọc. Giặc càng đốt phá miếu đình, người Việt càng tùy cơ xây dựng lại, nơi nguy nga, nơi nhỏ bé, nhưng nơi nào cũng được tôn kính, sùng bái, thành khẩn khói nhang để tựa lưng vào quá khứ, đi về với lịch sử. Do đó không vong bản.
Dưới đây, liệt kê một số miếu đình và hội lễ mang dấu tích lịch sử nguồn gốc, trải bao tang thương bể dâu, vẫn còn trong lòng cuộc sống Việt Nam.
DẤU TÍCH THẦN NÔNG
Đền Thờ Thần Nông:
Trên một ngọn đồi thuộc làng Sồng, xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Có hai ngôi đền lợp tranh, được người dân tu bổ, gìn giữ cẩn thận. Dân địa phương ấy gọi hai ngôi đền là Cồn Làng và Xần Cạp.
Hàng năm, cứ đến ngày 6 tháng Hai âm lịch, lễ tế Thần Nông được tổ chức dưới hai đền ấy rất trang nghiêm.
Lễ vật gồm một con lợn lềnh, hai chum rượu tấm, bốn gốc lúa tốt. Đặc biệt bốn gốc lúa nầy phải do hai trai tráng được làng cử đi lấy trộm ở làng khác đem về.
Trước tiên lễ ở đền Xần Cạp. Sau đem sang lễ ở đền Cồn Làng. Dân làng tụ tập đông đảo, trang nghiêm, tề chỉnh. Hương trưởng chủ tế, dâng hương cầu xin đức thánh tổ Thần Nông phù hộ cho người người an cư lạc nghiệp, nhà nhà sinh con đẻ cháu đông đúc, ngô lúa được mùa, gia súc sinh đôi. Sau đó, chia phần rượu thịt, ai về nhà nấy. Tối đến, đốt đuốc sáng trưng, tụ nhau ở đền Cồn Làng, rước hồn lúa (tức bốn gốc lúa) về nhà hương trưởng. Nghi thức rước hồn lúa trọng thể hòa với thái độ hân hoan. Hồn lúa được rước bằng kiệu, có chuông, trống, cồng chiêng. Giữa rừng đuốc, dân làng theo sau nhảy múa ca hát. Trong khi ấy, tại các nhà, ông già bà cả cũng sắp đặt lễ đón hồn lúa về nhà mình. Lễ gồm một ngọn đèn và một đĩa mười hai miếng trầu, mười hai miếng cau, mười hai miếng vỏ (vỏ cây chay để ăn đệm với trầu). Khi hồn lúa được rước về đến làng, các cụ khấn: “Chào dạ lúa đã về” hoặc “Chào mẹ lúa đã về” (dạ = mẹ). Rồi bưng đĩa trầu vào buồng trong, tin tưởng hồn lúa đã đến nhà mình.
Lễ Tế Thần Nông:
Đối với người dân Việt, nối đời tin tưởng Thần Nông là vua đầu tiên, đồng thời là thủy tổ của giống nòi. Thần Nông còn được gọi là Đế Viêm (vua phương Nam).
Xưa, tế Thần Nông do triều đình tổ chức vào ngày lập Xuân, gọi là Xuân Tế.
Dưới triều Nguyễn, hàng năm, sau tiết Đông Chí, Khâm Thiên Giám (quan xem thiên văn và lịch) sắp đặt lễ tế Thần Nông, cho nặn tượng vua Thần Nông và trâu cày, tùy theo hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ của mỗi năm mà nhuộm tượng với sắc, hoặc đỏ, hoặc vàng, hoặc xanh, hoặc trắng, hoặc đen. Trước tiết Lập Xuân hai ngày, một lễ đài tế được dựng theo hướng chính Đông, ngay trước cửa Đông của kinh thành. Đúng ngày Xuân Tế, rước tượng vua Thần Nông và trâu ra đài, nghi lễ được cử hành trang nghiêm trọng thể.
DẤU TÍCH LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ
Thần Làng Bình Đà:
Đình nội ở giữa làng Bình Đà, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Hội lễ tổ được tổ chức hàng năm vào ngày 6 tháng Ba âm lịch. Hội lễ long trọng, linh đình thu hút đông đảo khách hành hương từ thập phương đến dự. Dân làng Bình Đà có nghề làm pháo. Theo lệ làng, từ giờ tuất ngày mồng năm đốt pháo bông để mừng tổ về dự lễ. Chính lễ là ngày mồng sáu, đốt pháo dùng để chiêm lễ công lao uy đức của Tổ đối với giống nòi.
Đặc biệt lễ vật dâng Tổ, mỗi mâm đều chẳng một trăm đơn vị, tượng trưng cho một trăm con trai là Tổ của Bách Việt sau nầy.
Chùa làng (sau nầy, khi Phật giáo hưng thịnh, đã cho xây một ngôi chùa phía sau đình) dâng tổ những mâm đồ ăn chay, mỗi mâm một trăm đơn vị.
Dân làng dâng cổ thờ một trăm bánh trôi, gọi là bánh vía, vào ngày mồng sáu.
Ngoài bánh vía, còn một trăm tờ tiền mã, một tráp đựng một trăm trầu cau, một bát nước mưa, mười hai phẩm oản lớn.
Sau phần tế lễ tưởng nhớ công đức Tổ cùng cầu xin Tổ phù hộ cho người đông, vật thịnh, dân làng rước Tổ xem múa bông, múa cờ, đấu vật v.v… Pháo nổ không ngừng cho đến vãn lễ hội.
Thần Làng Ngọc Khám:
Làng Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có đền thờ Tổ Lạc Long Quân ở Đình chợ.
Theo ngọc phả của đền, Tổ Lạc Long Quân kết duyên cùng Tổ Bà Âu Cơ, sinh ra trăm trứng, nở trăm con trai, là Tổ của Bách Việt sau nầy.
Hội lễ được tổ chức vào ngày 8 tháng Tư âm lịch. Đó là một hội lễ lớn. Dân gian truyền tụng câu:
Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu (*)
Mồng chín đi đâu cũng về hội Đóng
(CHÚ THÍCH: * Hội Dâu: Chùa Dâu tên chữ là Diên Ứng, ở làng Dâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, thờ Phật Mẫu Man Nương. Lễ hội 17 tháng Giêng âm lịch, sinh nhật Phật Mẫu. Chính hội là ngày 8 tháng Tư âm lịch.)
Thần Làng Ngọc Xuyến:
Làng Ngọc Xuyến thuộc xã Đại Bái, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Đình làng thờ Lạc Long Quân, tục gọi là Thánh Cả.
Hàng năm, ngày 6 tháng Hai âm lịch, dân làng tổ chức hội lễ Thánh Cả Lạc Long Quân rất trọng thể với nghi lễ truyền thống. Đặc biệt còn diễn tích Rồng Lột để biểu tượng các công trình dựng nước khó khăn của đức Quốc Tổ. Tích được diễn với hơn bốn mươi thanh niên lực lưỡng, cởi trần, đóng khố đuôi lươn, xếp hàng một, người sau, hai tay vịn vai người trước. Dẫn đầu là một cụ già râu tóc trắng phơ, quần áo thụng trắng, chít khăn yến vĩ, tay cầm phèng la. Đoàn người đi nhấp nhô vòng vèo như rồng uốn khúc, hai tay khi vỗ vai người đi trước, khi vỗ bụng, vỗ đùi mình, âm thanh nhịp nhàng, dáng vóc uyển chuyển hùng vĩ.
Thần Làng Hữu Vĩnh:
Làng Hữu Vĩnh, xã Hồng Quảng, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, có ngôi đền lớn gọi là đền Hữu Vĩnh.
Theo ngọc phả đền, thần được thờ vị hiệu là Xung Lang, húy là Quang Xung, là một trong một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Thần trấn giữ khúc sông ở đây và đã từng hiễn linh cứu nhiều thuyền bè khỏi tai nạn. Thời tiền Lý, thần đầu thai vào làm con một cô gái đồng trinh và đã có công giúp Lý Nam Đế đánh giặc.
Hội tế lễ thần được tổ chức Xuân, Thu mỗi năm. Xuân tế ba ngày 10, 11 và 12 tháng Giêng âm lịch. Thu Tế vào ngày 12 tháng Tám âm lịch.
Thần Làng La:
Làng La gồm hai thôn La Nội và Ỷ La, thuộc xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Có đền thờ Dương Cảnh Công. Theo thần phổ, ngài là một trong một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Cuối đời Hùng, có một bà thợ nhuộm quê làng Đường Hào, tỉnh Hải Dương đến trú cư tại làng La, được thần đầu thai vào làm con. Thần giúp vua đánh giặc, lập nhiều công to, lại giúp dân làng diệt trừ ác thú nên dân làng thờ làm thần hoàng.
Hàng năm, làng La mở hội tế thần vào ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng âm lịch, nghi lễ trọng thể, cổ bàn linh đình.
Ngoài nghi lễ, đêm mười sáu còn tổ chức rước kiệu thần trong đêm, đèn đuốc tắt hết trong vòng từ giờ tý đến giờ sửu, nhằm nói lên việc thần đi giết ác thú trong đêm. Dưới ánh trăng mười sáu, dân làng đình La còn diễn cảnh thần bắt hổ và bắt các ác thú khác.
DẤU TÍCH HÙNG VƯƠNG
Trước khi viết về dấu tích Hùng Vương trong dân gian, tưởng cũng nên liệt kê đế hiệu (danh hiệu vua) các vua Hùng.
Theo Hùng Triều Ngọc Phả (sách ghi chép các vua thuộc triều đại Hùng vương. Gọi là Ngọc Phả để bày tỏ lòng tôn kính và quý báu sách nầy như ngọc), còn giữ ở đền Hùng, tỉnh Phú Thọ thì mười tám vua Hùng có đế hiệu như sau:
1 – Hùng Dương vương
2 – Hùng Hiền vương
3 – Hùng Lân vương
4 – Hùng Việp vương
5 – Hùng Hy vương
6 – Hùng Huy vương
7 – Hùng Chiêu vương
8 – Hùng Vỹ vương
9 – Hùng Định vương
10 – Hùng Hy vương
11 – Hùng Trinh vương
12 – Hùng Võ vương
13 – Hùng Anh vương
14 – Hùng Anh vương
15 – Hùng Triều vương
16 – Hùng Tạo vương
17 – Hùng Nghị vương
18 – Hùng Duệ vương
Hùng vương thứ năm và Hùng vương thứ mười đều có đế hiệu là Hùng Hy vương, nhưng mặt chữ nho của hai chữ Hy viết khác nhau và mỗi chữ mang một ý nghĩa riêng.
Chữ Hy của đế hiệu Hùng vương thứ năm, viết theo chữ nho nghĩa là phúc, điều tốt lành.
Chũ Hy của đế hiệu Hùng vương đời thứ mười, viết theo chữ nho nghĩa là khí hòa ấm, sáng sủa.
Tang thương biến đổi gần năm ngàn năm, Ngọc Phả họ Hồng Bàng dẫu được người Việt trân quý giữ gìn, nhưng truyền nhau sao chép, hẳn nhiêu cũng có chút đỉnh sai khác. Do vậy, trong các bản Ngọc Phả còn lưu giữ ở đền Hùng, làng Cổ Tích, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, có bản chép đế hiệu Hùng vương đời thứ mười là Hùng Uy vương, và Hùng vương đời thứ mười tám là Hùng Tuấn vương.
Một chi thuộc Bách Việt lập ra nước Sở, noi gương tộc trưởng Hồng Bàng, các vua Sở đều lấy chữ Hùng làm hiệu như: Hùng Dịch vương, Hùng Nghệ vương, Hùng Đán vương, Hùng Thắng vương, Hùng Dương vương, Hùng Cừ vương, Hùng Chấp vương, Hùng Duyên vương, Hùng Dõng vương.
Chữ Vương nơi đế hiệu Hùng vương không có nghĩa là vua nước chư hầu. Chữ Vương nguyên thủy nghĩa là chính sách nhân ái (Một nền chính trị xây dựng trên nền tảng yêu thương nhằm mục đích thể hiện một xã hội trong đó người dân có hạnh phúc đích thực). Từ nhà Chu bên Tàu, áp dụng chính sách phong kiến (Phong hầu kiến ấp, nghĩa là cất đất chia cho các vua chư hầu cai trị) mới dùng chữ Vương để chỉ vua chư hầu.
Đế hiệu Hùng vương của các vua dựng nước ta bao hàm ý nghĩa: mạnh mẽ, quả quyết xây dựng một xã hội trong đó mọi người dân an cư lạc nghiệp, người người yêu thương nhau, sống đời có hạnh phúc đích thực.
Đền Hùng Làng Cổ Tích:
Đền được xây trên núi Nghĩa Lĩnh, rừng Hy Cương, làng Cổ Tích, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ở đây thờ mười tám vua Hùng, có Hồng Bàng Ngọc Phả, còn gọi là Hùng Triều Ngọc Phả.
Hàng năm, đến ngày mồng 10 tháng Quý Xuân (tháng Ba âm lịch), là ngày Quốc Lễ (ngày lễ lớn của đất nước), dân gian gọi là ngày Quốc Tổ Hùng Vương, được tổ chức trọng thể, người Việt các tỉnh về dự lễ rất đông, xếp đoàn dài hàng chục cây số. Tế Tổ được gọi là Quốc Tế (lễ cúng bái của cả nước), xưa triều đình cử quan đứng đầu bộ Lễ (Lễ Bộ Thượng Thư) về đọc văn tế, dâng hương rót rượu, gọi là chủ tế. Đến cuối triều Nguyễn, đất nước loạn ly, đại diện triều đình là vị Tỉnh Hiến Phú Thọ (tỉnh trưởng Phú Thọ) làm chủ tế. Tất cả các quan chức địa phương tề tựu đông đủ để dâng hương cùng lễ vật.
Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh có ba ngôi đền: Đền Thượng, Đền Trung và Đền Hạ. Đền Thượng ở trên đỉnh núi, Đền Trung ở lưng chừng núi và Đền Hạ ở chân núi.
Đền Thượng thờ mười tám đức Hùng vương với mười tám bài vị. Trước cửa đền có tấm hoành phi (bảng hình chữ nhật, treo ngang) với bốn chữ Việt Nam Triều Tổ (tên nước ta là Việt Nam không phải mới bắt đầu từ Gia Long nhà Nguyễn. Theo Nguyễn Trãi trong Dư Địa Chí, Kinh Dương vương được phong là Việt Nam vương). Đền nầy được trùng tu năm 1914. Nhân dịp xây cất sửa chữa lại nầy, một cuộc lễ Tố được tổ chức rất lớn, một phần để tỏ lòng chiêm bái tôn kính, một phần để quốc dân chứng kiến, tổ đền dù được sửa chữa nhưng vẫn giữ nguyên hình thức cũ.
Chính giữa bàn thờ với mười tám bài vị mười tám đức Quốc Tổ có mười bốn chữ: “ĐỘT NGỘT CAO SƠN CỔ VIỆT HÙNG THỊ THẬP BÁT THÁNH VƯƠNG VỊ” (bài vị thờ mười tám vua thành họ Hùng xưa của dân tộc Việt, trên đỉnh núi cao chót vót).
Trên đỉnh Ngũ Lĩnh, gần bên Đền Thượng có một ngôi cổ mộ, không biết là mộ vua Hùng vương thứ mấy. Vua Tự Đức nhà Nguyễn, với lòng thành khẩn hướng về gốc nguồn đã sắc chỉ (vua ra lệnh) xây lăng tẩm, đích thân vua Tự Đức kính đề năm chữ “Sắc Kính Hùng Vương Lăng” (sắc xây lăng Hùng vương).
Tương truyền Đền Thượng được vua Hùng vương thứ sáu sắc lệnh dựng nên.
Đền Trung thờ các vua Hùng. Trước đền có một tấm bia lớn ghi tên cùng công đức mười tám vua Hùng, do các hậu vương dựng. Bên cạnh bia nầy có nhiều bia phụ ghi tên các vị đã góp công góp của trùng tu đền thờ Tổ.
Đền Hạ thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Dung, con vua Hùng Duệ vương (Hùng vương thứ mười tám). Trước đền có giếng nước bốn mùa trong mát, đời đời không cạn, nên dân gian còn gọi là Đền Giếng. Cạnh Đền Giếng là chùa Thiền Quang, tương truyền được xây từ đời Hùng.
Hội đền Hùng mở từ ngày mồng một tháng Ba, đến đêm mồng 10 tháng Ba thì rã đám.
Tế vật trong ngày giỗ Tổ, ngoài hương hoa, các thức quả, còn có tam sinh (ba loài gia súc), gồm một con lợn cạo lông, chưa nấu nướng, bỏ lòng, mỡ chài phủ kín toàn thân. Một con bò thui, một con dê thui, bỏ lòng, để nguyên cả con. Dâng làng Cổ Tích dâng xôi gấc, bánh dày, bánh chưng.
Ngoài tế lễ, trong mười ngày hội đền Hùng, các cuộc vui truyền thống được tổ chức để dân gian không quên nếp sống xưa.
Hội Làng Hy Cương:
Làng Hy Cương thuộc tổng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (xưa là Châu Phong). Hy Cương do ba làng cổ hợp thành: Kẻ Cổ (Cổ Tích), Kẻ Trẹo (làng Triệu Phú) và Kẻ Vi (làng Vi Cương).
Hàng năm, ngoài giỗ tổ được tổ chức tại đền Hùng, dân Hy Cương còn tổ chức hội lễ riêng từ 30 tháng Chạp đến mồng 8 tháng Giêng. Đó là hội lễ “Rước Chúa Trai, Chúa Gái”, diễn lại sự tích Tản Viên sơn thần rước Ngọc Hoa công chúa về núi Tản. Cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh cũng được diễn lại mỗi năm trong hội lễ nầy.
Hội Làng Phù Ninh:
Làng Phù Ninh là một làng Việt cổ, đến nay vẫn giữ tên Phù Ninh, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.
Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng Hai âm lịch bắt đầu mở hội, tế tổ Hùng vương tại miếu Lạn. Lễ vật gồm rượu, xôi gà. Gà phải giết tại miếu, làm lòng, để cả con, không nấu nướng. Riêng ruột gà luộc chín quấn với củ kiệu. Tương truyền khi vua Hùng đi săn đến núi Lạn (phía nam Nghĩa Lĩnh), ngừng lại dùng cơm, có Mỵ Nương (công chúa con vua Hùng) tên Kiệu tìm được thứ củ, đem nướng với lòng gà, nhà vua ăn khen ngon và đặt tên là củ kiệu.
Hội lễ Phù Ninh rã đám vào đêm 12 tháng Hai.
Đền Thờ Làng Sốm:
Làng Sốm, tên chữ là Cổ Lãm, thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông.
Đền làng Sốm thờ các vị thành hoàng, có công dựng làng từ thời Hùng vương, các tướng của Hai Bà Trưng, các tướng thời tiền Lý.
Hàng năm, từ mồng 7 đến 12 tháng Giêng âm lịch, dân làng Sốm tổ chức hội lễ tế Tổ Hùng vương. Lễ tế linh đình, cỗ bàn thịnh soạn như ngày tết nguyên đán. Trong hội lễ nầy, lệ làng phải có một cỗ pháo đại bảy tầng. Pháo được đốt vào ngày 11 tháng Giêng.
Hôị Lễ Làng Đồng Luận:
Làng Đồng Luận, xã Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ, là một làng Việt cổ.
Hàng năm, đúng ngày giỗ tổ mùng 10 tháng Ba âm lịch, dân làng Đồng Luận có tục nấu cơm không chín (cơm sống) để cúng tổ.
Tương truyền, có một lần vua Hùng dẫn quân qua Đồng Luận, nghỉ chân ăn cơm. Cơm đang sôi, nghe tin giặc đến. Nhà vua cùng quân, tướng ăn vội cơm sống để kịp đi dẹp giặc, vậy nên dân Đồng Luận đời đời, đến ngày giỗ Tổ, giữ tục nấu cơm sống để tưởng nhớ gốc nguồn.
Đền Làng Vân Sa:
Làng Vân Sa, huyện Tân Hồng, tỉnh Sơn Tây có đền thờ công chúa Thiếu Hoa, con vua Hùng vương thứ chín (Hùng Định vương) làm thành hoàng. Dân gian truyền tụng rằng công chúa đã dạy dân làng làm nghề tơ lụa The và lụa Vân Sa, nổi tiếng đẹp và bền, rất được ưa chuộng.
Hàng năm, hội lễ được tổ chức vào hai ngày mồng 6, mồng 7 tháng Giêng. Năm nào cũng diễn tích dân làng đem tơ lụa đi dâng lên vua Hùng. Một đám rước lụa với những điệu hát múa truyền thống được diễn trước đền làng để làm đẹp lòng công chúa. Các hình thức trẩy dâu, nuôi tằm, kéo kén, quay tơ, dệt lụa cũng được diễn ra ở đây mỗi năm.
Hội Lễ Làng Vũ Lao:
Làng Vũ Lao là một làng Việt cổ, thuộc huyện Thanh Hòa, tỉnh Vĩnh Yên.
Hàng năm, ngày 10 tháng Giêng có hội lễ ở Đền E (E có nghĩa là e lệ, e thẹn).
Đền E ở xóm Lũng, làng Vũ Lao. Tương truyền rằng khi các vua Hùng còn đóng đô ở núi Thắm, các Mỵ Nương sống ở xóm Lũng. Hàng năm, cứ đến mồng 10 tháng Giêng, vua Hùng tuyển phò mã (con rể vua) ở đây.
Trong hội lễ, dân làng dâng lễ vật gồm bánh dày, bánh chưng, bánh ướt (gạo nếp nấu trong lá dong, hình tháp), và bánh năng (gạo nếp ngâm bảy ngày trong nước vôi, cùng với măng tre và vỏ quả sở, sau khi vớt lên, để khô, gói là dong, nén chặt, luộc kỹ. Khi chín bóc ra màu vàng tươi, óng ả như châu ngọc). Dân gian truyền tụng rằng các Mỵ Nương dạy dân làm các loại bánh nầy.
Mồng Năm Tháng Năm, Hội Chùa Thắm:
Làng Vũ Lao còn gọi là làng Thắm. Chùa Làng gọi là Chùa Thắm. Ở hậu cung thờ Phật Thích Ca. Giữa sân chùa có một phiến đá phẳng lớn bằng chiếc chiếu. Giữa phiến đá có một dấu chân người, lớn bằng bốn chân người thường. Tương truyền đó là dấu chân vua Hùng để lại núi Thắm trước khi dời đô về Nghĩa Lĩnh.
Lễ hội Đình Cả, mồng 10 và 11 tháng Một (tháng thứ 11 trong năm) âm lịch. Tương truyền hàng năm, sau khi dời đô về Nghĩa Lĩnh, cứ đến ngày, Hùng vương trở về thăm lại đất xưa, mở hội ăn mùng với dân làng. Lễ hội Đình cả tổ chức mỗi năm rất trọng thể, có rước kiệu với những vũ điệu cổ truyền.
Đền Làng Hùng Lô:
Làng Hùng Lô, huyện Châu Phong, tỉnh Phú Thọ, có đền thờ vua Hùng thứ mười tám, tức Hùng Duệ vương.
Hàng năm, hội làng được mở vào ba ngày 9, 10 và 11 tháng Ba âm lịch để làm giỗ Tổ. Ngoài nghi lễ truyền thống, dân làng Hùng Lô còn tổ chức rước kiệu từ đình làng đến đền thờ Quốc Tổ trên đỉnh Nghĩa Lĩnh. Cuộc rước kiệu nầy rất trọng thể, làng tuyển ba trăm đàn ông từ hai mươi lăm đến năm mươi tuổi sung vào đội rước kiệu. Y phục toàn màu trắng, thắc lưng màu xanh hoa lý, chân quấn xà cạp. Mở đường rước kiệu là mười hai vị tướng quân. Mỗi vị tướng quân có năm người phục dịch.
Đền Làng Bế Sơn:
Làng Bế Sơn, phủ Vĩnh Tường, tương truyền xưa con gái vua Hùng là Mỵ Nương bị chúa vua Thục là Thục Phán giết ở đấy. Dân làng lập đền thờ vua Hùng, Hoàng Hậu và Công Chúa, Xuân Thu nhang khói lễ vật.
Đền Làng Bạch Hạc:
Làng Bạch Hạc còn có tên là Kê Hạc, thuộc tỉnh Việt Trì có đền thờ Thổ Lệnh Đại vương, dân gian quen gọi là Thánh Hạc. Theo thần phổ (sách ghi sự tích thần thờ trong đền), Thánh Hạc là anh em sinh đôi với Thạch Khanh. Cả hai anh em có công giúp vua Hùng đánh Thục Phán. Thánh Hạc có tài chạy nhanh như gió cuốn, lặn sâu như thuồng luồng. Khi ngài chết được phong thần.
Em ngài là Thạch Khanh được thờ làm thành hoàng Tiên Cát (đối diện với Bạch Hạc bên kia sông)
Hàng năm, dân chúng tổ chức hội tế thần vào ngày mồng 5 tháng Giêng để kỷ niệm tài chạy của ngài. Từ 10 đến 13 tháng Ba, kỷ niệm tài bơi lặn của ngài. Mồng 20 tháng Năm âm lịch, tổ chức bơi trải, diễn lại sự tích ngài tiễn đức thánh Tản Viên trở lại Ba Vì, sau khi đến thăm ngài Thổ Lệnh Đại Vương.
Đền Làng Bạch Trữ:
Làng Bạch Trữ còn gọi là Kê Trữ, thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Phú Thọ.
Đền làng thờ Mỵ Nương vợ Sơn Tinh.
Ngoài ra, làng Bạch Trữ còn có đền thờ Cống Sơn, theo thần phổ, là một danh tướng của Hai Bà Trưng.
Đền Làng Bàn Giản:
Làng Bàn Giản gồm ba làng Việt cổ xưa là Đông Lai, Ngọc Xuân và Thạch Trụ, thuộc tỉnh Phú Thọ. Hàng năm, dân làng tổ chức hội lễ từ mồng 4 đến mồng 7 tháng Giêng âm lịch để tế lễ Đức Ông làng, người là danh tướng của vua Hùng thứ mười tám.
Đền Làng Chu Hóa:
Làng Chu Hóa thuộc huyện Châu Phong, một làng Việt cổ, tên nôm là Kẻ Khống, còn gọi là Chu Khống. Đền làng thờ ba vị thành hoàng là Cả Đông, Nhị Đông và Tam Đông, gọi chung là Đông Hải Đại vương. Theo thần phổ, ba anh em ngài là rắn Thác, sinh vào làm con một quả phụ, cùng sinh một ngày và cùng trở thành danh tướng của vua Hùng thứ mười tám.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 5 tháng Ba âm lịch, dân làng Kẻ Khống tổ chức hội lễ Thành Hoàng Đông Hải Đại vương rất trọng thể.
Đền Dạ Trạch:
Đền nằm trong vùng Dạ Trạch xưa, nay là thôn Yên Vĩnh, làng Dạ Trạch, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên.
Đền Dạ Trạch thờ công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử.
Hàng năm, từ mồng 10 đến 13 tháng Hai âm lịch, dân chúng mở hội lễ, ngoài tế lễ truyền thống, còn diễn lại sự tích Tiên Dung - Chử Đồng Tử.
Đền Làng Đa Hòa:
Làng Đa Hòa, thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên có đền thờ Chử Đồng Tử và hai vợ là Tiên Dung công chúa và Hồng Vân tiên nữ (vợ hai). Hàng năm, từ mồng 10 đến 12 tháng Hai âm lịch, hội lễ được tổ chức trọng thể theo nghi lễ truyền thống.
Hội Làng Đào Xá:
Làng Đào Xá thuộc huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ, nằm trên bờ tây sông Đà.
Tương truyền xưa Sơn Tinh và Thủy Tinh giao tranh ở đây. Thần phổ làng Đào Xá chép rằng: Khi Thủy Tinh dâng nước ngập đồng điền, vua Hùng sai đại tướng Hùng Hải đi dẹp nạn. Một hôm, đại tướng Hùng Hải cùng vợ là Trang phu nhân dông thuyền rồng từ Đào Xá về Thọ Xuyên. Trong thuyền Trang phu nhân nằm mộng thấy sinh được ba quý tử. Quả nhiên sau phu nhân sinh được ba con trai trong một lần lâm bồn, đặt tên là Đại Linh Long, Mãn Linh Long và Uyên Linh Long. Khi ba người con trưởng thành, vua Hùng sai Hùng Hải làm quan đầu tỉnh Hưng Hóa, Uyên Linh Long trấn giữ đất Thọ Xuyên và Dị Nậu. Đại Linh Long và Mãn Linh Long ở lại Đào Xá.
Dân làng Đào Xá gọi Hùng Hải là Thánh Phụ (thánh cha), Trang phu nhân là Thánh Mẫu (thánh mẹ), ba con trai là ba vị đại vương. Lập đền thờ rất trang trọng, trong đền còn thờ thêm nàng Quế Hoa, người hầu gái của Trang phu nhân, đã có công săn sóc ba vị đại vương khi còn tấm bé.
Hàng năm, mồng ba tết, dân làng tổ chức hội lễ múa Trâu, 27 tháng Giêng âm lịch tổ chức lễ cầu an, 28 tháng Giêng lễ múa Voi, 29 tháng Giêng nấu cơm thi, mồng 9 tháng Bảy âm lịch, lễ cầu thần an dân.
Tất cả các lễ trên nhằm tỏ lòng biết ơn thần đã giúp dân trị thủy, yên vui cày cấy.
Đền Làng Ngãi:
Làng Ngãi tức làng Tự Nhiên, tổng Chương Dương, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Đền làng thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa, Hồng Vân tiên nữ (dân làng quen gọi là cô thợ cấy Hồng Vân). Hàng năm, hội lễ được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng Tư âm lịch.
Đền Làng Lỗ Khê:
Làng Lỗ Khê, tên tục là Kẻ Lỗ Khê, thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đền làng thờ Ông Dực và Ông Minh. Theo thần phổ, đồng thời cũng theo lời truyền tụng, hai ông đã có công giúp vua Hùng dẹp giặc Mũi Đỏ. Hàng năm, dân làng mở hội Tế Xuân và Tế Thu để tưởng nhớ công đức hai ông.
Hội Tế Xuân từ mồng 6 đến 15 tháng Giêng âm lịch.
Hội Tế Thu, còn gọi là hội bán trà, từ mồng 8 đến mồng 10 tháng Tám âm lịch.
DẤU TÍCH THÁNH DÓNG
Thánh Dóng là danh tướng đời Hùng vương thứ sáu, có công dẹp giặc Ân (Thương) đến từ phương bắc. Những dấu tích về Thánh Dóng quan hệ mật thiết đến dấu tích Tổ Hùng vương.
Đền Làng Bộ Đầu:
Làng Bộ Đầu là một làng Việt cổ, thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông.
Đền làng thờ Thánh Dóng và mẹ ngài. Theo thần phổ của đền, khi Thánh Dóng đang trên đường bay lên trời, bỗng nghe dân chúng gào thét vang dậy bên sông. Nhìn xuống thấy dân đang gắng sức cứu một người đàn bà bị hai thuồng luồng kéo xuống nước. Bà ấy chính là mẫu thân của Thánh. Thánh bèn lao xuống giết hai con thuồng luồng, cứu được mẹ.
Hàng năm, cứ đến 18 tháng Giêng âm lịch, dân làng Bộ Đầu, tổ chức lễ tế theo nghi thức truyền thống. Ngoài ra còn tổ chức tranh giải đánh côn.
Đền Làng Chi Nam:
Làng Chi Nam, thuộc tổng Chi Lệ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Đền làng thờ một bộ tướng của Thánh Dóng. Theo thần phổ, ngài là Trâu Đô Thống. Khi đánh giặc Ân, ngài đã dùng thuyền sắt theo đường thủy từ Chi Nam tiến lên, dùng chùy sắt đánh nát quân ngoại xâm. Sau khi giặc tan, ngài về thủy cung, để quả chùy lại giữa dòng sông Đuống, quả chùy sau biến thành hai bãi cát lớn ở khúc gần sông Lạc Đầu.
Hội lễ Trâu Đô Thống được tổ chức trước ngày hội Thánh Dóng một ngày, tức ngày mồng 5 tháng Tư âm lịch.
Đền Làng Dóng:
Làng Dóng là một làng Việt cổ, nay gồm bốn làng Đổng Viên, Đổng Xuyên, Phù Đổng và Phù Dực, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Đền làng thờ Thánh Dóng.
Hội lễ được mở từ mồng 6 đến 12 tháng Tư âm lịch. Hội lễ Dóng là hội lễ quan trọng nhất ở vùng Kinh Bắc.
Đền Làng Mát:
Kẻ Mát là tên nôm của làng Thanh Nhàn, huyện Mê Linh, tỉnh Phú Thọ.
Theo thần phổ đền làng Mát, trên đường đến Sóc Sơn, trời oi ả, Thánh Dóng dừng lại một nơi để uống nước. Vì không biết đó là nơi nào, ngài hỏi lũ mục đồng, chúng bảo đây là Kẻ Khốn. Thánh cười mà rằng: Nơi đây mát mẽ thế nầy, sao gọi là Kẻ Khốn? Từ đó, dân làng đổi tên Kẻ Khốn thành Kẻ Mát. Để nhớ sự tích Thánh đã dẹp xong giặc Ân, ngài ngồi nghỉ mát uống nước nên Kẻ Mát còn gọi là làng Thanh Nhàn.
Hàng năm, dân làng mở hội lễ vào ngày mồng 6 và mồng 7 tháng Giêng âm lịch.
Đền Làng Đồng Kỵ:
Làng Đồng Kỵ thuộc tổng Đồng Quan, huyện Tuyên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đền làng Đồng Kỵ thờ Thiên Cương Đế.
Theo thần phổ, Thiên Cương là bộ tướng của đức Thánh Dóng, góp nhiều công lớn trong việc dẹp giặc Ân. Khi giặc tan, Thiên Cương theo Thánh Dóng lên trời, được vua Hùng thứ sáu phong làm Thiên Cương Đế, thượng đẳng thần.
Hội lễ được dân làng Đồng Kỵ tổ chức vào mồng 4 và mồng 5 tháng Giêng âm lịch. Hai ngày ấy, pháo đốt vang trời mừng Thiên Cương Đế thắng trận.
Hội Đền Sóc Sơn:
Sóc Sơn tức núi Vệ Linh, trên núi có đền thờ Phù Đổng Thiên vương, tức Thánh Dóng.
Theo thần phổ, sau khi dẹp tan giặc Ân bên Tàu, Thánh Dóng phi ngựa sắt lên núi Sóc Sơn, cởi bỏ áo giáp lại trên núi, người và ngựa sắt cùng bay lên trời, nhằm ngày 7 tháng Giêng âm lịch.
Hàng năm, hội lễ được tổ chức trọng thể theo nghi thức quốc tế (lễ tế trọng đại của nước) trong những ngày mồng 6, 7 và 8 tháng Giêng âm lịch.
DẤU TÍCH THÁNH TẢN VIÊN
Thánh Tản Viên tức Sơn Tinh, con rể của vua Hùng. Do đó, dấu tích Thánh liên hệ mật thiết đến gốc nguồn dân tộc.
Đền Chung Của Hai Làng Cẩm Đới Và Tòng Lệnh:
Làng Cẩm Đới tục gọi là Kẻ Đới, thuộc huyện Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây.
Làng Tòng Lệnh thuộc tổng Tòng Bạc, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây.
Hai làng chung nhau, một đền thờ thánh Tản Viên. Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng Hai âm lịch, dân hai làng hợp nhau mở hội lễ tế Thánh rất trọng thể.
Theo thần phổ của đền, xưa Thánh đã cùng dân hai làng đánh cá vào ngày 12 tháng Hai, lại dạy dân hai làng ăn gỏi cá. Vậy nên trong ngày mở hội để tưởng nhớ Thánh, ngoài nghi lễ truyền thống, dân hai làng còn tổ chức đánh cá, làm gỏi dâng lễ rồi cùng nhau ăn uống. Đặc biệt gỏi cá dâng Thánh phải có cá lăng, cá quất là hai thứ cá xưa Thánh ưa dùng.
Hội Lễ Làng Phú Lộc:
Làng Phú Lộc thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.
Theo lệ làng, hàng năm cứ đến đêm mồng 6 tháng Giêng âm lịch, dân làng đủ cả nam phụ lão ấu (đàn ông, đàn bà, ông già bà cả và trẻ thơ) đèn đuốc sáng trưng, cùng nhau đến rừng Trám dâng lễ đức thánh Tản Viên, gọi là hội lễ Mở Cửa Rừng.
Lễ vật đặc biệt có cung tên dâng lên bàn thờ Thánh. Sau lễ nghi truyền thống, dân làng cử một chàng trai dùng cung hoặc nỏ bắn chết đôi gà trống mái buộc ở cửa đền, coi như rừng đã được mở cửa. Họp nhau ăn uống đến sáng và rủ nhau vào rừng mở cuộc săn đầu năm.
Đền Làng Dị Nậu:
Làng Dị Nậu, tục gọi Kẻ Núc, thuộc huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ.
Làng thờ thánh Tản Viên làm thành hoàng.
Theo thần phổ, đức thánh Tản Viên đã dạy dân làng côn quyền võ nghệ, lại dạy dân, cày bừa gặt hái. Vợ ngài, con gái vua Hùng dạy dân gieo mạ, cấy lúa cùng trồng dâu nuôi tằm dệt vải.
Hàng năm, hội lễ của làng được mở từ mồng 4 đến mồng 6 tháng Giêng âm lịch.
Ngoài lễ nghi truyền thống, dân làng chia phe múa côn và đấu tượng trưng. Lại diễn cảnh cấy cày, nuôi tằm, quay tơ, trẩy dâu cùng những điệu dân ca có tính cách khuyến nông, đằm thắm thiết tha tình con cháu uống nước nhớ nguồn.
Đền Làng Lạp:
Làng Lạp là một làng lớn, xưa gồm hai làng Liệp Tuyết và Tuyết Nghĩa, thuộc phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, có đền thờ thánh Tản Viên.
Theo thần phổ, xưa có lần Thánh du ngoạn qua làng Lạp, thấy phong cảnh hữu tình, nhân phong khả ái bèn dựng cho làng một ngôi đền. Thánh lại họp dân làng ở đền ấy để dạy nông tang (trồng lúa, nuôi tằm, dệt vải) và ca hát.
Do đó, hàng năm sau tết Nguyên Đán, dân làng họp nhau ở Đền Lạp, dâng lễ vật để nhớ công ơn Thánh và ca hát đón xuân.
Đặc biệt ba mươi sáu năm một lần, dân làng Lạp lại tổ chức hội hát Dô một lần. Theo tục truyền, trong vòng ảnh hưởng của Thánh có tất cả ba mươi sáu ngôi đền thờ, mỗi năm chỉ hát hầu Thánh ở một đền nên có chu kỳ ba mươi sáu năm.
Hát Dô là gọi tắt điệu hát Dô Huầy (hay huầy dô ta cũng vậy). Đó là điệu hát chèo đò và tải củi.
Hội hát Dô được mở từ mồng 10 đến 15 tháng Giêng âm lịch. Ba ngày 13, 14 và 15 tổ chức những cuộc vui mang tính chất sinh hoạt truyền thống như kéo co, đánh côn, đánh thó (côn tre ngắn bằng cẳng tay), đánh vật, đánh cờ v.v…
Bài bản hát Dô, lời văn cổ kính, nội dung gồm những lời chúc tụng; phong cảnh bốn mùa; hái hoa dệt lụa, kéo gỗ chèo thuyền đánh cá. Khi vãn, hát lời chúc tụng giã từ.
Đền Măng Sơn:
Các làng thuộc tổng Tường Phiên, phủ Sơn Đông, tỉnh Sơn Tây chung nhau ngôi đền Măng Sơn, thờ thánh Tản Viên cùng hai vị tướng của ngài là Cao Sơn và Quý Minh.
Thần phổ ghi sự tích Sơn Tinh, Thủy Tinh như cổ tích được lưu truyền trong dân gian.
Hàng năm, hội lễ được mở từ mồng 6 đến 12 tháng Giêng âm lịch. Nghi thức hội lễ trang nghiêm, chiêng trống rước Thánh và hai tướng vang lừng một vùng đồi núi. Trong đền trầm hương nghi ngút. Lễ vật, đủ cả tam sinh ngũ quả. Đặc biệt phải có quả quít, trái cây thổ sản mà hầu hết các nhà đều trồng.
Đền Làng Me:
Làng Me là tên nôm của làng Cung Thuận, tổng Tích Giang, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây. Đền làng thờ đức thánh Tản Viên. Hàng năm, lễ hội mở từ mồng 2 đến mồng 10 tháng Hai âm lịch.
Theo thần phổ, thánh Tản Viên dạy dân làng Me đào ao nuôi cá. Do đó, trước đền thờ Thánh có một cái ao lớn hình chữ môn, nuôi các loại cá trắm, cá chép, cà mè, cá trôi dùng làm lễ vật tế Thánh trong ngày hội lễ. Cá ao được dân làng canh giữ cẩn thận, cấm bắt đem về nhà ăn.
Đến ngày hội, các nhà sửa soạn sẵn nơm, dậm chờ ở bờ ao. Dứt hồi trống ngũ liên, tất cả nhảy xuống ao bắt cá. Bắt được bao nhiêu, gom chung tại miếu, làm gỏi, nấu nướng dâng Thánh, rồi cùng nhau ăn uống. Số cá còn lại, chia đều cho các nhà.
Ngoài ra, hội làng Me, cũng tổ chức những trò vui như: đánh côn, đánh vật, đánh đáo, hát đúm, hát chèo.
DẤU TÍCH THỤC AN DƯƠNG VƯƠNG
Thục An Dương vương đánh bại vua Hùng thứ mười tám, đổi quốc hiệu (tên nước) Văn Lang thành Âu Lạc.
Những dấu tích lịch sử về Thục An Dương vương trong dân gian bổ túc cho giá trị thực hữu Hùng vương vốn đã hiển nhiên, minh bạch trong lòng tuyệt đại đa số người Việt tự muôn đời.
Thành Cổ Loa:
Thành Cổ Loa hình trôn ốc, do Thục An Dương vương cho xây ở Phong Khê, thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, cách Hà Nội khoảng mười sáu cây số gần quốc lộ số Ba. Thành ngoài, chu vi tám cây số. Từ Đông sang Tây thành, 2,800 công xích. Từ Bắc sang Nam thành 2,000 công xích (thước tây). Lớp thành trong, chu vi 6,500 công xích. Lớp thành thứ ba (lớp trong cùng) chu vi 1,600 công xích.
Đền Cổ Loa:
Dân cư vùng thành Cổ Loa họp thành một làng gọi là làng Cổ Loa, thờ Thục An Dương vương làm thành hoàng, dựng đền thờ gọi là đền Cổ Loa. Bên đền là miếu thờ công chúa Mỵ Nương, con gái An Dương vương. Thần phổ chép không khác chuyện cổ tích về vua An Dương vương, Thần Kim Quy, Trọng Thủy - Mỵ Châu được lưu truyền quen thuộc trong dân gian.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, dân chúng Cổ Loa mở hội kỷ niệm ngày An Dương vương lên ngôi vua.
Ngoài lễ nghi truyền thống, hội lễ có khi kéo dài đến năm, sáu ngày với những cuộc vui rước nỏ thần, thi bắn nỏ, múa côn, đánh vật, đánh đu tiên, đánh đáo, đánh cờ v.v…
Đền Làng Đại Than:
Làng Đại Than, tổng Cao Đức, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh có đền thờ Cao Lỗ.
Cao Lỗ là danh tướng của An Dương vương, người đã sáng chế ra nỏ máy, truyền thuyết gọi là nỏ thần, mỗi lần bắn ra được cả trăm mũi tên.
Hàng năm, từ ngày 10 tháng Ba đến ngày 5 tháng Tư âm lịch, làng Đại Than mở hội tế Thần Cao Lỗ. Các làng Tiểu Than, Bình Than, Văn Than, Phù Than cùng với Đại Than tổ chức cuộc rước thần rất trọng thể vì các làng ấy đều thờ Cao Lỗ làm thành hoàng.
Ngoài tế lễ theo nghi thức truyền thống, còn có các cuộc vui, đặc biệt là bắn cung và đua thuyền trên sông Lục Đầu, khúc sông Đuống đổ vào.
Đền Làng Hội Khê:
Làng Hội Khê tên nôm là làng Cọi, thuộc tổng Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Dân làng thờ công chúa Mỵ Nương, con gái Thục An Dương vương làm thành hoàng. Đền thờ công chúa Mỵ Nương còn được gọi là đền thờ Bà.
Theo thần phổ, công chúa Mỵ Nương có công dạy dân làng se tơ, kén kéo, dệt lụa. Đức hạnh công chúa làm cho ma quỷ kinh sợ, không dám quấy phá dân lành.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 3 tết Nguyên Đán, hội lễ rước kiệu công chúa từ đền thờ về đình làng được tổ chức trọng thể.
Đền Làng Đông Cao Và Làng Độc Bộ:
Đông Cao và Độc Bộ là hai làng thuộc tổng Yên Lộc, huyện Ý Yên, tỉnh Bắc Ninh. Dân hai làng cùng thờ An Dương vương và công chúa Mỵ Nương.
Đền thờ An Dương vương gọi nôm là Đền Cha ở làng Độc Bộ.
Đền thờ Mỵ Nương gọi nôm là Đền Con, ở làng Đông Cao.
Hàng năm, cứ đến ngày 18 tháng Tám âm lịch, dân hai làng tổ chức giỗ Mỵ Nương.
Từ sáng sớm, toàn thể quan viên và dân làng Đông Cao rước kiệu công chúa từ Đền Con sang Đền Cha để tạ tội vì tình mà làm mất nước. Quan viên cùng dân làng Độc Bộ tụ tập chở kiệu từ Đền Con đến, rước vào đình tế lễ để Mỵ Châu tạ tội cùng vua cha. Sau phần tế lễ, hai làng họp nhau ăn uống. Chiều tối lại rước kiệu công chúa về Đền Con ở Đông Cao.
Đền Làng Thụy Lôi:
Làng Thụy Lôi là một làng Việt cổ, tục gọi là làng Nhội, hay Kẻ Nhội, thuộc tổng Thụy Lâm, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, cách Hà Nội mười sáu cây số.
Làng Thụy Lôi có đền thờ thần Kim Quy, vì Thần đã giúp An Dương Vương diệt ma quỷ, xây thành Cổ Lao lại cho vua móng rùa làm lẫy nỏ thần.
Hàng năm, hội lễ được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch.
Đền Công:
Nay trên núi Mộ Dạ, gần xã Cao Ái, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An còn đền thờ An Dương vương. Ở đấy, cây cối bốn mùa xanh tốt, chim công đến ở rất nhiều nên dân địa phương gọi là Đền Công, thổ âm đọc là Đền Cuông.
Núi Mộ Dạ là nơi đường cùng của An Dương vương, tương truyền khi ấy ngài khấn thần Kim Quy đến cứu. Thần bảo: “Giặc ngồi sau lưng nhà vua đấy”. An Dương vương giận con gái vì tình chồng vợ đã làm lỡ việc nước, rút kiếm chém Mỵ Nương rồi gieo mình xuống biển tự vận.
DẤU TÍCH TRƯNG NỮ VƯƠNG
Đền Làng Hạ Lôi:
Làng Hạ Lôi, huyện Mê Linh, tỉnh Phú Thọ có đền thờ Hai Bà cùng ông Thi Sách theo vị trí: Bà Trưng Trắc cùng ông Thi Sách thờ ở vị trí chính giữa điện. Bà Trưng Nhị được thờ ở vị trí phụ.
Theo truyền thuyết trong dân gian, ngôi đền nầy chính là nhà xưa của thân mẫu hai bà, được sửa chữa lại.
Cũng có truyền thuyết nói rằng vì Hạ Lôi là kinh đô xưa của Hai Bà, nên về sau, đền thờ được dựng lên ở đây.
Đền làng Hạ Lôi, một năm tổ chức ba hội lễ. Hội lễ ngày 6 tháng Giêng âm lịch, kỷ niệm ngày Hai Bà mở tiệc khao quân để đánh đuổi thái thú Tô Định.
Hôi lễ ngày 8 tháng Ba âm lịch, tưởng niệm ngày hóa (chết) của Hai Bà.
Hội lễ ngày mồng 1 tháng Tám âm lịch, mừng ngày sinh của Hai Bà.
Trong ba lễ hội, hội lễ khao quân để quét quân Hán ra khỏi cõi bờ được tổ chức linh đình trọng thể với rước kiệu theo thứ tự: từ trong đền ra, kiệu rước đi đầu là kiệu ông Thi Sách, thứ nhì là kiệu bà Trưng Trắc, thứ ba là kiệu bà Trưng Nhị.
Ra đến đường cái, dân làng gọi là đường Trống Quân, các kiệu dừng lại để làm lễ “giao kiệu”. Thứ tự là kiệu bà Trưng Trắc đi đầu, kiệu bà Trưng Nhị đi giữa và kiệu ông Thi Sách đi thứ ba. Lý do: Ở trong nhà, ông Thi Sách và bà Trưng Nhị là đạo vợ chồng, bà Trưng Nhị là phận em út. Ra trước làng nước, Hai Bà ở ngôi vua, ông Thi Sách làm tôi, phải đi sau.
Đền Đồng Nhân:
Làng Hương Viên, tổng Thanh Nhàn, huyện Thọ Xương, Hà Nội có đền thờ Hai Bà gọi là Đền Đồng Nhân.
Nguyên xưa, đền được dựng trên bãi Đồng Nhân bên bờ sông Hồng, phường Bố Cái, kinh đô Thăng Long. Bãi lở năm 1819, dân làng dời đền về làng Hương Viên, tên Đồng Nhân vẫn giữ.
Hàng năm, hội lễ được mở từ mồng 4 đến mồng 8 tháng Hai âm lịch.
Ngoài lễ nghi quốc tế (cách thức tế lễ của triều đình) còn lễ rước kiệu Hai Bà ra bờ sông Hồng, nơi có đền gốc ở Đồng Nhân. Dừng kiệu ở đấy, dùng thuyền chở đôi chóe đựng nước thờ ra giữa giòng sông, lấy đầy nước, rồi rước về đền. Nước nầy chỉ để dùng trong lễ Mộc Dục (tắm tượng và rửa đồ thờ).
Đền Hát Môn:
Xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây có đền thờ Hai Bà, dựng trên bờ cửa sông Hát (tức sông Đáy).
Hàng năm, hội lễ đền Hát Môn được tổ chức ba lần, mồng 6 tháng Ba, mồng 4 tháng Chín và 24 tháng Chạp.
Cả ba hội lễ trong năm đều được cử hành theo quốc tế, có quan của triều đình về làm lễ.
Hội lễ ngày 6 tháng Ba là ngày hóa của Hai Bà.
Tương truyền xưa, hai bà tụ tập tướng sĩ, mở hội thề ở Hát Môn (cửa sông Hát).
Trong Thiên Nam Ngữ Lục, một chuyện Nôm khuyết danh ở thế kỷ mười lăm có ghi hội thề Hát Môn bằng bốn câu:
Một xin rửa sạch quốc thù,
Hai xin trở lại nghiệp xưa họ Hùng,
Ba khỏi oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẻn vẹn sở công linh nầy
(CHÚ THÍCH:
- Vẻn vẹn: trọn vẹn, hoàn tất
- Công linh: còn gọi là công lênh, nghĩa là công trình, công nghiệp)
Sau ba năm làm chủ sơn hà, Hai Bà thất trận, hai bà phóng ngựa về nơi mở hội thề, có ghé vào quán dân mở ăn bánh trôi và hai quả muỗm (quả xoài). Hai quả muỗm mọc thành hai cây cổ thụ, nay còn trước sân đền. Cũng do tích ấy, trong hội lễ nầy, ngoài các phẩm vật hiến dâng khác, bao giờ cũng có mâm một trăm bánh trôi, viên rất nhỏ. Sau khi tế lễ, làng lấy bốn mươi chín bánh trôi đặt vào lòng bông hoa sen, thả xuống sông để trôi ra bể. Đặc biệt dân làng Hát Môn chỉ ăn bánh trôi sau ngày mồng 8 tháng Ba.
Hội lễ mồng 4 tháng Chín để kỷ niệm Hai Bà xuất quân.
Hội lễ ngày 24 tháng Chạp được tổ chức rất trang nghiêm, đó là lễ Mộc Dục.
Để chuẩn bị cho lễ Mộc Dục, dân làng Hát Môn chọn hai trăm trai tráng, vào đêm 23 rạng ngày 24 rước tượng Hai Bà từ điện thờ ra nhà Dội (nhà tắm tượng), cùng lúc đó, dân chài Hát Môn sắm sửa thuyền bè, chở chóe thờ ra giữa giòng sông Hồng để lấy nước đem về nhà Dội để làm lễ. Tuy gọi là lễ tắm tượng, nhưng thực ra chỉ phủi bụi bặm, rồi dùng khăn tinh khiết nhúng nước, lau chùi cẩn thận. Sau đó, rước tượng về điện.
Trong các ngày mở hội lễ ở đền Hát Môn, theo truyền thống, những người hành lễ, những người diễn trò, toàn thể dân làng, kể cả du khách qua làng, tuyệt đối không được bận quần áo, đội khăn mũ màu đỏ. Toàn bộ đồ thờ trong đền đều một màu đen. Theo truyền thuyết trong vùng, Hai Bà tử trận, máu nhuộm đỏ đất nơi Hai Bà nằm xuống. Do đó, hội lễ kiêng màu đỏ. Như vậy, khác với thuyết nói Hai Bà gieo mình xuống sông Hát tự tử.
Đền Nghè:
Xưa thuộc làng An Biên, bây giờ là phố Lê Chân, tỉnh Hải Phòng có đền thờ bà Lê Chân, một danh tướng của Hai Bà Trưng.
Hàng năm đều mở ba lễ hội:
Hội lễ chính từ mồng 8 đến mồng 10 tháng Hai âm lịch, mừng sinh nhật bà Lê Chân.
Hội lễ 15 tháng Tám, mừng ngày bà đại thắng quân Tàu.
Hội lễ 25 tháng Chạp, tưởng niệm ngày hóa của Bà.
Đình Làng Bối Khê:
Làng Bối Khê, tổng Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Đình làng thờ sáu vị thần làm thành hoàng là: Thiên Thần, Thiên Trăng, Trúc Sơn, Địa Tràng, Mộc Thần và Ba Giang.
Theo thần phổ cũng như truyền thuyết trong dân làng, sáu vị thần nầy đã có công trong việc giúp Hai Bà đánh đuổi Tô Định về Tàu.
Hàng năm, hội lễ được tổ chức từ mồng 10 đến 12 tháng Hai âm lịch. Trong hội lễ, ông tiên chỉ làng (người già cả, có uy tín, được dân làng bầu ra) đọc công đức, đánh giặc cứu dân của sáu vị thành hoàng. Sau lễ nghi truyền thống, rước kiệu đưa sáu thần ngắm cảnh non nước ngày xuân, dân làng tổ chức đu tiên, cờ người, hát chèo, đánh côn, đánh vật. Đặc biệt, làng Bội Khê có nghề làm pháo, nên trong suốt lễ hội, pháo nổ vang trời. Pháo đốt đủ kiểu, đủ loại trong suốt ba ngày hội.
Hội Làng Hiền Quang:
Làng Hiền Quang, xã Huyền Quang, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ có hội thờ nữ tướng Thiều Hoa của Hai Bà.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 2 Tết, dân làng bắt đầu mở hội. Hội kéo dài đến hết ngày 13 tháng Giêng âm lịch.
Trong ngày hội, ông tiên chỉ làng bao giờ cũng đọc thần tích bà Thiều Hoa cho dân làng nghe để ghi nhớ và truyền tụng.
Theo thần tích, bà Thiều Hoa nguyên là một cô gái xinh đẹp, cùng quê với đức thánh Tản Viên. Đến tuổi trưởng thành cha mẹ qua đời, bèn rời bỏ quê nhà, đến tu ở chùa Phúc Khánh, thuộc làng Hiền Quang. Tu được một năm thì Hai Bà Trưng phất cờ dấy nghĩa. Bà Thiều Hoa bèn chiêu tập binh mã, theo Hai Bà Trưng, đánh đuổi quân Tàu, lập nhiều công to. Sau khi nước nhà đòi lại được quyền tự chủ, bà Thiều Hoa trở về Hiền Quang xây dựng cơ sở, làm căn cứ vững chắc lâu dài. Một hôm đang đi thăm thú dân tình, bỗng dưng không lời cáo biệt, bà Thiều Hoa thăng hóa lên trời (bay lên trời không trở lại nữa). Dân làng từ đấy mới biết Bà là thần tiên.
Đền Làng Hạ Hiệp:
Làng Hạ Hiệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Đông có thờ Hoàng Đạo tướng quân, một danh tướng của Hai Bà.
Hàng năm, cứ đến ngày 13 tháng Hai âm lịch, dân làng mở hội lễ để tưởng nhớ công đức Tướng Quân. Theo truyền thuyết trong làng cũng như theo thần phổ được ông tiên chỉ đọc trong hội lễ thì tướng quân Hoàng Đạo hóa vào ngày 13 tháng Hai.
Hội lễ, ngoài nghi lễ tế tự truyền thống, còn cái cuộc vui như kéo co, đánh vật, đánh côn được diễn ra trước đền thờ. Đặc biệt là rước kiệu từ Quán Dâu, nơi Tướng Quân tử trận, về đình làng. Sau phần tế lễ long trọng ở đình, rước kiệu đưa Ngài về đền thờ.
Đền Làng Hạ Trì:
Làng Hạ Trì, nay là hai xã Liên Hà và Liên Trung, huyện Đan Phượng, trước thuộc tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội. Trong làng có đền thờ bà Sa Lãng, một nữ tướng của Hai Bà Trưng.
Làng Hạ Trì tên nôm là Nghiềm. Do đó, hội lễ bà Sa Lãng còn gọi là hội Nghiềm. Hàng năm cứ đến ngày mồng 7 tháng Ba âm lịch thì mở hội và vãn hội tối ngày 8 tháng Ba.
Theo thần phổ cũng như truyền thuyết trong làng, bà Sa Lãng cùng anh ruột là ông Hùng Linh, con quan Lạc tướng, dấy binh chống nhà Đông Hán. Ông Hùng Linh bị giặc sát hại. Kịp đến khi Hai Bà Trưng phất cờ dấy nghĩa, bà Sa Lãng kéo quân về theo, lập nhiều chiến công. Khi Mã Viện kéo quân sang, bà chiến đấu dũng cảm và tử trận ngày 8 tháng Ba âm lịch.
Đền Làng Thượng Thanh:
Làng Thượng Thanh, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông có đền thờ Cai Công (ông Cai).
Theo truyền thuyết, ông là đàn ông, mặc giả làm đàn bà, tụ tập quân lính theo Hai Bà Trưng. Ông mất ngày 7 tháng Bảy âm lịch.
Hàng năm cứ đền ngày 7 tháng Bảy, dân làng Thượng Thanh tổ chức giỗ ông rất linh đình. Lại mở hội lễ ngày mồng 10 tháng Hai, vãn hội đêm 12 tháng Hai âm lịch để mừng sinh nhật ông.
Trong ngày giỗ cũng như hội lễ sinh nhật ông, lễ vật toàn đồ chay. Tương truyền sau khi đánh đuổi Tô Định, dân làng mổ trâu bò khao quân, ông cùng binh tướng từ chối không ăn và khuyên dân làng:
“Người Đông Hán ác hơn lang sói nên ta cùng nhau đánh đuổi. Riêng lòng ta thương sót sinh linh, không đành ăn thịt các loài vật.”
Đặc biệt trong hội lễ, có rước kiệu Cai Công với hai chục trai làng, ăn mặc giả gái. Kiệu được rước từ đền thờ ông đến đình làng, làm lễ xong, lại rước về miếu. Hai chục trai làng ăn mặc giả gái tượng trưng cho đạo binh giả gái xưa của ông.
Đền Làng Lai Tảo:
Làng Lai Tảo, xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, Hà Nội thờ thành hoàng là ba anh em ông Cao Quốc Minh, Cao Tuấn Công và Cao Chân Pháp. Cả ba ông đều là tướng của Hai Bà Trưng, theo truyền thuyết cũng như theo thần phổ.
Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng Mười âm lịch, dân làng mở hội. Tương truyền, đó là ngày ba anh em họ Cao vừa thắng một trận lớn, ghé qua làng định nghỉ quân. Dân làng mổ lợn, ngâm nếp định khao quân. Chưa kịp nấu nướng thì ba vị tướng quân được lệnh phải lên đường ngay. Do đó, dân làng mang cả gạo thịt sống theo đoàn quân.
Để tưởng nhớ sử kiện đó, hàng năm, dân làng Lai Tảo, tế thành hoàng bằng thịt sống và gạo nếp sống.
Đền Làng Thượng Hạp:
Làng Thượng Hạp, thuộc huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Yên có đền thờ tướng quân Cao Nguyên, một tướng của Hai Bà Trưng đã tuẫn tiết cùng đạo quân của bà Man Thiện. Dân làng Thượng Hạp giành được xác tướng quân, đắp mộ và xây miếu thờ và tôn làm thành hoàng.
Hàng năm, hội lễ được tổ chức sau ngày tết nguyên đán.
Đền Làng Tiên La:
Làng Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có đền thờ Bát Nạn công chúa Vũ Thị Thục, một nữ tướng tài ba xuất chúng của Hai Bà Trưng.
Bát Nạn công chúa đã hy sinh ngày 18 tháng Ba năm Quý Mão (năm 43 sau Tây Lịch), ở làng Tiên La.
Hàng năm, dân làng mở hội lễ từ ngày 16 đến 18 tháng Ba âm lịch. Người làng Tiên La gọi Bát Nạn công chúa là Thánh Bát Nạn (Bát Nạn nghĩa là dẹp nạn, cứu dân)
Ngoài nghi thức tế lễ truyền thống, còn có rước kiệu Thánh Bát Nạn và những cuộc vui như múa kiếm, múa roi, đánh côn, bơi trải (bơi thuyền).
Đặc biệt trong cuộc đua tài bơi trải, có các cô gái chưa chồng, thanh niên chưa vợ, tay cung, tay kiếm đứng hai bên bờ giả làm lính của thánh Bát Nạn.
DẤU TÍCH NHÀ TRIỆU
Ở đây, chưa bàn đến vấn đề chính thống hay không chính thống của triều đại nhà Triệu. Tìm dấu tích nhà Triệu trong dân gian không ngoài mục đích bổ túc thêm phong phú cho những sử kiện vốn dĩ đã phong phú, được người dân Việt gìn giữ liên tục hàng ngàn năm trong cuộc sinh tồn ba đào không dứt.
Đền Làng Đồng Sâm:
Làng Đồng Sâm, tổng Hồng Thái, tỉnh Thái Bình có lăng Triệu Vũ đế (tức Triệu Đà), lại có hai đền thờ. Đền chính, thờ Triệu Vũ đế. Bên cạnh có đền thờ hoàng hậu Trình thị, gọi là đền Thượng Hòa.
Theo truyền thuyết, hoàng hậu Trình thị của Triệu Vũ đế quê ở Đồng Sâm, mất ngày 20 tháng Chạp. Hàng năm, dân làng mở hội đền ngày mồng 1 tháng Tư âm lịch. Tục truyền đó là lễ một trăm ngày sau khi Trịnh hoàng hậu mất. Hội lễ đóng ngày 3 tháng Tư âm lịch.
Hội lễ được tổ chức trọng thể với sự cộng tác của dân hai làng Tả Phụ và Hữu Dực. Ngày 26 tháng Ba mở cửa đền. Ngày 30 tháng Ba lễ Mộc Dục.
Vào hội, khởi đầu là rước lễ hoàng hậu (dân địa phương tôn làm Thánh Bà) từ đền Thượng Hòa ra đền chính để diện kiến Hoàng Đế. Đoàn rước gồm toàn thiếu nữ đồng trinh, mặc đồng phục, mang bát bửu. Khi đến đền chính, cuộc tế bắt đầu. Ngoài nghi thức tế lễ truyền thống, còn có những cuộc vui như đánh cờ, hát chèo, ca trù, đấu vật, bơi trải.
Hôi đền Đồng Sâm vãn ngày 3 tháng Tư âm lịch bằng cuộc rước Thánh Bà từ đền chính về đền Thượng Hòa.
Đền Làng Văn Côi:
Làng Văn Côi, tổng Văn Côi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, có đền thờ anh hùng Lữ Gia ở chân núi Gôi. Dân địa phương gọi ngài là thánh Lữ Gia.
Làng Văn Côi cùng ba làng Mỹ Côi, Vân Côi và Côi Sơn thuộc tổng Vân Côi là bốn làng Việt cổ, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn luôn được triều đình gởi sắc chỉ về, xác định bốn làng được dựng từ thời họ Hồng Bàng làm vua.
Hàng năm, hội lễ thánh Lữ Gia được tổ chức từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng âm lịch. Tế ngài được tổ chức theo nghi thức triều đình ấn định, gọi là quốc tế. Ngoài quốc tế còn tổ chức trong hội lễ những cuộc vui như đấu vật, đánh côn, hát chèo, bơi trải. Cả bốn làng Văn Côi, Mỹ Côi, Vân Côi và Côi Sơn cùng tổ chức hội lễ thánh.
Kiệu Thánh được rước qua các đình của cả bốn làng. Đặc biệt của hội lễ là lễ Hoa Ký, lễ nầy phải chọn một thiếu nhi đồng nam, tuấn tú thông minh dâng lên Thánh với lời nguyện khấn cùng dân bốn làng noi gương Thánh xưa, giữ gìn non nước, không tiếc thân mình.
Đền thánh Lữ Gia nền bằng đá xanh, chung quanh xây tường bằng đá xanh, rộng lớn khoảnh khoát, có thời được dùng làm trường tiểu học cơ bản (từ lớp năm đến lớp nhất, bây giờ gọi là từ lớp một đến lớp năm). Theo ý dân làng, mở trường tại đền nhằm mục đích để con em noi gương Thánh, lớn lên hết lòng vì nước.
Cách đền khoảng 200 công xích (thước tây) là đền Thánh Độc Cước (không biết tên họ), theo truyền thuyết, Thánh Độc Cước là tướng cận vệ của thánh Lữ Gia.
Mộ hai Thánh để ở chân núi Gôi, xây bằng đá xanh kiên cố.
Trong thời chiến tranh Thực Cộng, thực dân Pháp chiếm chùa Vôi ở Vụ Bản làm nơi đóng quân. Tháng 11 năm 1949, Pháp phá đền thánh Lữ Gia, lấy đá xanh đem về chùa Vôi để làm hào, lũy tránh mìn, đạn. Đến nay, đền Thánh vì nước không biết đã được dựng lại chưa?
DẤU TÍCH NGUỒN GỐC DÂN TỘC
QUA SỬ SÁCH TRUNG HOA
Đây là phần phụ, chỉ có giá trị bổ túc, nhằm thỏa mãn óc cầu tri nơi sách sử ngoại nhân. Cũng nên biết rằng, hầu hết các sách Trung Hoa viết về những vấn đề có tương quan đến Việt sử thường có khuynh hướng chính trị vụ lợi, thiếu phần công chính và khách quan.
Sách Thượng Thư còn gọi là Kinh Thư, cuốn sử tối cổ của Trung Hoa, do Khổng Tử san định, thiên Nghiêu Điển có ghi: “… sai Hy Thúc sang Nam Giao”.
Học giả Sái Thần đời Tống giảng Nam Giao là Giao Chỉ.
Học giả Lê Quý Đôn, trong Vân Đài Loại Ngữ có viết: “Kinh Thư gọi Giao Chỉ là Minh Đô, thực đáng là cái vực sâu, cái chằm rậm chứa đựng văn minh của người ta”.
Sách Ngự Phê Thông Giám Tập Lãm có chép: “Năm thứ 5 đời vua Nghiêu (2357 trước lịch Tây) người Việt Thường đến chầu, phải hai lần thông ngôn, dâng rùa lớn sống ngàn năm, vuông ba thước, trên mai có khắc chữ khoa đẩu, chép từ khi mở trời đất. Vua Nghiêu sai chép vào sách”.
Sách này có ghi chú Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ.
Đế Nghiêu năm thứ nhất là năm 523 kỷ Hồng Bàng, khi đó nước ta tên là Văn Lang. Giao Chỉ và Việt Thường là 2 bộ thuộc 15 bộ của nước Văn Lang ta.
Các cổ thư của Tầu như Thủy Kinh Chú của Lý Đạo Nguyên đời Hậu Ngụy, Thái Bình Ngự Lãm, Thái Bình Hoàn Vũ đều có viết về nước ta với tên Văn Lang. Mỗi sách viết theo một luận điệu khác, hoặc do tư kiến cá nhân, hoặc theo ý muốn của kẻ đô hộ.
Sách Thông Chí của Trịnh Tiêu đời Tống có ghi: “Đào Đường Chi Thế Việt Thường quốc hiến thần quy, cái thiên tuế, phương tam xích dư, bối hữu khoa đẩu văn, kí khai tịch dĩ lai. Nghiêu mệnh lục chi, vị chi quy lịch”. (Vào đời Đào Đường, nước Việt Thường dâng rùa thần, đã sống hơn nghìn năm, lớn hơn ba thước, mai có chữ nòng nọc ghi chép từ thuở mở trời đất (ban đầu) cho tới lúc bấy giờ. Vua Nghiêu sai chép lại, gọi là lịch rùa).
Đoạn trên, văn phong xấc xược theo kiểu thiên tử đối với chư hầu – dù Việt Thường ta không phải chư hầu – nhưng dù vậy vẫn phải thú nhận học văn minh của ta và phải xác nhận ta là dân tộc riêng, đã sớm có văn tự, sớm biết làm lịch trước Tầu.
Sách Thượng Thư gọi Giao Chỉ là Minh Đô, tức là vực sâu, chằm rậm chứa văn minh của loài người là đúng lắm vậy.
Sách Hậu Hán Thư của Phạm Việp có ghi: “Viện hiếu kỵ, thiện biệt danh mã, ư Giao Chỉ đắc Lạc Việt đồng cổ, nãi chú vi mã thức”. (Viện – tức Mã Viện – thích cưỡi ngựa, giỏi phân biệt ngựa hay. Khi ở Giao Chỉ, lấy được trống đồng Lạc Việt, đem đúc thành hình ngựa”.)
Đoạn khác, trong Hậu Hán Thư, Phạm Việp viết: “Việt luật dữ Hán luật bác giả thập dư sự, dữ Việt nhân thân minh cựu chế dĩ ước chi. Tự hậu, Lạc Việt phụng hành Mã tướng quân cố sự. (Luật của người Việt có hơn mười điều khác với luật của người Hán. Mã Viện đích thân giảng giải luật cũ của người Việt để bắt ép họ phải theo mình. Từ đó về sau, người Việt theo lối Mã tướng quân).
Hai đoạn trên, dù với lối hành văn hống hách, cũng không phủ nhận được văn minh trống đồng của người Việt và không phủ nhận được nếp sống có nền văn hóa độc lập với pháp luật khác luật pháp Tầu.
Sách Nam Việt Chí chép: “Mã Viện đục núi Cửu Chân, lại xếp đá làm đập ngăn chặn sông biền.”
Hậu Hán Thư của Tạ Thừa chép: “Bảy quận ở Giao Chỉ, khi đem đồ cống hiến vào triều (Đông Hán) đều ra do lối Trường Hải (tức Nam Hải)”.
Sách Lễ Ký chép: “Người phương Nam lấy kim thích vào da rồi bôi chàm vào gọi là xâm mình. Hai ngón chân cái giao nhau (giao chỉ)”.
Sách Hán Quan Nghi do Ứng Thiệu đời Hán ghi chép các quan chế và điển lễ có viết: “Khi cổ nhân mới mở ở phương Bắc đã liền giao tiếp với phương Nam để xây dựng nền tảng về sau.”
Sách Thông Giám, Tấn Ký: “Lư Tuần buổi sáng đến ven sông phía nam Long Biên”.
Lại ghi chú: “Long Biên thuộc quận Giao Chỉ, trị sở các châu quận đều ở đấy”.
Quảng Đông Tân Ngữ của Khuất Đại Nguyên chép: “Ta xem mạch núi Giao Chỉ phát xuất từ Quý Châu. Quý Châu là chặng chót của các sông núi từ Ba Thục đổ về. Long mạch chạy qua cuồn cuộn như muôn vàn đợt sóng, uốn lượn tung bay không ngừng, thẳng đến Giao Châu mới thành đất nước”.
Sách này còn viết: “Đất Giao Chỉ có 17 quận, 49 châu, 157 huyện. Mỗi năm nộp thóc cho quan Tư Nông hơn một ngàn ba trăm sáu mươi vạn (13.600.000) hộc. Tính ra thuế tất cả các châu Mân (Phúc Kiến), Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây), Điền (Vân Nam), Kiềm (Quý Châu) cũng không bằng”.
Xem thế đủ biết người Tầu vừa sợ hãi, vừa thèm khát long mạch nước ta (Tầu vốn tin địa lý, phong thủy). Một khi đặt được nền móng đô hộ, họ vắt cạn thực phẩm lúa gạo của dân ta./-
ĐỌC THÊM:
TÊN NƯỚC TA XƯA KIA LÀ “XÍCH QUỶ” CÓ PHẢI LÀ “QUỶ ĐỎ” KHÔNG?