TỪ CHÊ ĐẾN YÊU
(Trích từ bản tin hàng tháng của Thư Viện Việt Nam năm 2006)
Câu chuyện bắt đâu từ Tánh, ở Oklahoma, khẩn khoản yêu cầu “Cô ghé lại Thư Viện, cho cháu một nhận xét...”
Tánh là con của anh Hai tôi. Cháu vắn tắt cho tôi biết, trong một bài nghiên cứu về người Việt tại Hoa kỳ, trong kỳ thi ra trường, Tánh vồ được nghệ sĩ Nam Lộc nhờ quảng cáo cho điện thoại Đông Nam Á 1 – 800 – Nam Lộc. Thế là cháu vội liên lạc và xin giúp. Ông Nam Lộc chẳng những giúp Tánh mà còn giới thiệu bạn ông, ký giả Du Miên, người làm báo ngay từ ngày đặt chân lên đất mỹ 1975 cho mãi đến ngày nay.
Cháu Tánh nhờ hai ông Nam Lộc và Du Miên giúp mà làm bài rất có “nói có sách, mách có chứng”, có luôn cả hình ảnh, chứng liệu chính xác. Thầy khen và được điểm cao là một việc, các bạn cùng lứa khi chia xẻ tài liệu, nội dung bài tập, đã ngạc nhiên sửng sờ không ngờ Tánh giỏi như vậy.
“Cháu thật khoái nhưng trong thâm tâm, mang ơn chú Nam Lộc và chú Du Miên đã vui vẻ giúp e-mail qua, e-mail lại, dù cháu biết hai ổng rất bận.”
Tôi hỏi vì sao mà cháu yêu cầu cô đến Thư Viện và cháu cần cái gì ở đó?
Viết tới đây tôi thấy thật áy náy. Bận nhiều việc nhà, việc sở, con cháu... dường như tôi chả quan tâm gì đến chuyện cộng đồng chung quanh. Nhưng khi cháu đã nhờ, tôi đã đi tìm.
Gớm! Cái Thư Viện gì mà hỏi đến chục người chẳng ai biết ở đâu. Họ có nghe nói nhưng không biết địa chỉ. Tôi ghé nhà sách Tú Quỳnh hỏi, bà chủ chỉ cho tôi địa chỉ. Hôm ấy là tháng ba dương lịch 2006.
Tới nơi, tôi cứ mường tượng nó lớn lắm, uy nghi lắm, nổi lắm cháu tôi ở tận tiểu bang Oklahoma mà còn biết nhưng hỡi ôi, tôi thật thất vọng!
Cái này nhỏ xíu làm sao sánh bằng thư viện Mỹ! Cái này...
Trong bụng tôi, tuy thế, mừng thầm. Mừng vì cái thư viện nhỏ này không đáng quan tâm, tôi sẽ không tốn thì giờ, chỉ đi dăm ba phút là hết. Tối nay gọi cho cháu Tánh, nói cho cháu biết cảm nghĩ của tôi, là xong.
Quái quỷ, đập vào mắt tôi khi bước vào trong là tấm di ảnh của “người trong mộng” Trầm Tử Thiêng, vị nhạc sư mà tôi quý trọng, chẳng những qua những bản nhạc tình, nhạc quê hương của ông mà cả qua đời làm nhà giáo của ông, mà tôi là học trò của thầy.
Tôi cúi đầu trước di ảnh thầy.
Bên cạnh di ảnh thầy là tấm phướng thuyền nhân Phi luật tân, nhiều chữ ký chi chít. Hai hình ảnh này gợi cho tôi bao hình ảnh êm đềm, vang vang tiếng hát Khánh Ly “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng... người đã cứu người” hay “Bên em đang có ta...” và “Hương ơi, sao tiếng hát em nghe vẫn giạt dào...”
Tôi tự hỏi tại làm sao hình thầy tôi lại được treo trang trọng ở đây. Tôi ngó cái ông già già đeo kính ngồi gần cái telephone, đoán chừng là “xếp” ở đây. Tôi mở ngoặc đơn để ghi hết ý nghĩ tôi lúc ấy: Cái thư viện của người ta tổ chức quy cũ, lớp lang, phòng ốc khang trang, nhân viên, bàn ghế, tủ kệ... tuyệt vời, sao cái thư viện này nó... bụi đời thế này! Sau này tôi mới biết cái ông già mang mắt kính lão kéo xệ xuống kia là giáo sư Nguyễn Hữu Dõng, dạy ở trường kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ trước 1975, là đồng nghiệp với thầy Nguyễn Văn Lợi (tên thật của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng).
Thầy Dõng, giọng miền Nam xuề xòa cho tôi biết thầy tôi là một trong số người đề xướng, sáng lập thư viện này.
Tôi quay 180 độ cảm tình mình, nhớ thầy, tôi rơm rớm nước mắt. Tôi bắt đầu nhìn cái thư viện nhỏ nhoi, tồi tàn, nghèo nàn này bằng tất cả thân thương, gắn bó. Tôi cúi đầu nói ý nghĩ nhỏ bé ấy với thầy tôi, trên vách. Và dường như tôi thấy thầy cười. Nụ cười nở ra trên môi của vị thầy luôn nghiêm khắc, đầy vết nhăn.
Thay vì chỉ dạo qua 5 phút rồi đi chợ, về nhà, tối phone cho Tánh, tôi đã la cà suốt một buổi chiều ở Thư viện. Ông thầy Dõng nói cho tôi biết về thư viện, cho tôi xem hình ảnh sinh hoạt, nội san. Tôi chỉ nói cho ông biết cháu tôi nó mang ơn ông Nam Lộc và ông Du Miên và nó yêu cầu tôi tới đây để cho nó hỏi chi tiết về sinh hoạt thư viện.
Ông thầy Dõng, giọng Nam thiệt thà nói ngay ông Nam Lộc cũng là người ơn của ổng, đã giúp gia đình ổng đoàn tụ nhanh...
Thấy ổng thật lòng, tôi không còn ái ngại, nói hết ý của tôi, cái cảm giác của tôi khi đến thư viện.
Một ông khách, đang ngồi đọc ở dãy ghế, nói trống không:
- Khi đang đói, chỉ cần có ăn đỡ đói là được, làm sao mà dám nghĩ đến món ngon!
Không biết ông ta có ý định nói với tôi không?
Chưa hết, một người khác lên tiếng:
- Chồng gần không lấy mà lấy chồng xa...
Là người không lắm chuyện, nhưng sao lại có cái gì... không ổn đâu đây.
Ông thầy Dõng kể lại lai lịch hình thành thư viện sáu bảy năm về trước và nói “Nếu bà tới thư viện cũ, chắc bà không dám bước vào!”
Đó là trụ sở 800 sq.ft, theo lời thầy Dõng kể, chật cứng và nóng bức. Bây giờ cũng nóng bức ở đây vậy! Thầy Dõng nói thư viện nghèo, tiết kiệm không dám xài điện, ngay đến dãy đèn khu phòng hội không bao giờ được bật lên. Chỉ bật 1 dãy khu đọc sách mà thôi. Nói chi tới chuyện máy lạnh, máy quạt!
Không có tiền sao làm chi cho mệt thế này?
Tuy đã dành cho thư viện nhiều cảm tình nhưng tôi vẫn có những câu nói âm ỉ, một cách lặng lẽ, trong lòng tôi.
Rồi chuyện ăn đỡ đói chưa cần ngon, của ông độc giả gần đó, có lẽ là ý nhị chỉ cho tôi cái cố gắng của thầy tôi và các bạn, khi lập thư viện này. Còn cái chuyện chồng gần chồng xa, tôi tức mình, không hiểu.
Tôi cố nhìn xem ông nói câu đó và cũng tin rằng ổng nhắn gửi cho thái độ trịch thượng của tôi chăng?
Tôi không chờ lâu. Cái ông ấy đến chào tôi và thầy Dõng, xin phép được chung chuyện. Tôi không cảm tình với ông này vì chưa hiểu ý ông ta nhưng thấy ông lịch sự, mặt hiền, gật đầu mời ổng ngồi.
Khi nghe ông nói, tôi vui vẻ ghi nhận.
Hai ông. Một ông nói “lúc đầu tôi nghĩ mấy cái ông nầy... tửng, ưa chơi nổi, dựng cái phòng nhỏ xíu mà dám xưng là Thư Viện. Thư viện mà còn là Thư viện Việt Nam, là cả nước Việt Nam nữa. Thiệt là to gan!... Nhiều người làm thư viện rồi nhưng không ai mở cửa lâu. Mấy ông văn nghệ sĩ nghèo xơ nghèo xác này lại mở cửa hàng ngày! Ngông! Ưa chơi nổi! Và tôi nghi liền, tiền đâu? Dụng ý gì?... Và tôi mò đến khi có thì giờ. Tôi “kết” với thư viện ngay từ tháng 9 năm 1999 đến nay và tự nhận mình là một thành phần của thư viện dù tôi chẳng phải là người khởi xướng hay điều hành. Tôi chỉ thích cái gì làm cái nấy, thư viện thiếu cái gì, cần cái gì tôi phụ sau giờ tôi làm việc về. Ngày nào cũng thế! Càng ngày tôi càng thấy thư viện là cái tổ thiêng liêng để tàng trữ những cái gì hay nhất của người Việt ở hải ngoại. Mấy ổng không đao to búa lớn, nhưng làm việc thiệt, làm xong mới báo cáo, không bao giờ xưng danh mấy ổng cả. Chỉ có nhạc sĩ Trần Tử Thiêng mất rồi, mới biết ổng là một trong các sáng lập viên. Vào thư viện thấy bình dị, không có rườm rà gì hết...”
Tôi nói ý định của tôi khi đến đây.
Ông ấy nói: “Không phải chỉ có cháu chị, mà trong 7 năm qua, chiều nào tôi cũng có mặt ở đây, học sinh, sinh viên, kể cả ngoại quốc, tới đây nhiều lắm. Sách, vở, tài liệu, hình ảnh chưa quan trọng bằng sự hướng dẫn, giúp đỡ, trả lời phỏng vấn của những người có liên hệ, được thư viện thu xếp, tiếp tay. Các em khoái lắm nhưng em nào cũng nói tội nghiệp thư viện mình, nghèo quá, chưa đủ phương tiện computer vô máy bấm cái rẹt lên hết, muốn searche cái gì cũng được, muốn hỏi thư mục là bấm con chuột 1 cái hiện ra trước mắt... Em nào cũng nguyện khi ra trường, làm có lương, em sẽ góp cho thư viện... Hồi tết năm rồi, có 1 em tới tặng thư viện 200 đô để dành sau mấy tháng làm việc. Em là một trong các sinh viên trước đây có ghé qua thư viện nhiều lần để làm bài...”
Khi tôi hỏi tiền sinh hoạt thì ông thầy Dõng cho biết “Mấy ảnh lo với các thương gia, Mạnh Thường Quân trong cộng đồng mình. Nếu hổng đủ thì mấy ảnh tự bỏ tiền túi góp vô cho đủ. Đủ tiền xoay xở...”
Tôi chặn ngang:
“Bao nhiêu?”
Ông Dõng chỉ trong các “Bản tin” Thư viện: “Tiền phố 1,200 rồi nhân viên 800 và điện và điện thoại trên dưới 100...”
Tôi tính nhanh là 2,100 một tháng. Không phải là nhỏ! Tôi hỏi tiếp và ông Dõng cho tôi thấy bảng vàng Ân Nhân treo ở thư viện, đăng trong các bản tin bên cạnh bản báo cáo chi thu.
Tôi dợm hỏi về thành phần góp tiền cho thư viện thì ông khách khi nảy, nói chuyện chồng gần không lấy mà lấy chồng xa kia nói vô: “Ở bên VN mình, ông nhạc sĩ thấy các cô lấy chồng ngoại quốc nhiều quá, đâm ra viết bài hát mà cô ca sĩ Khả Tú hát rất hay này. Nội dung nó áp dụng cho Little Sàigòn này cũng giống vậy.”
Tôi hỏi giống cái gì?
Ông đáp: “Thì ở đây người ta thích khoe khoang, thích về Việt Nam cứu trợ, xây trường, xây chùa, xây nhà thờ, cho người nghèo... mà không ai biết rằng dân mình ở đây cũng nghèo, cũng cần nhiều thứ để bảo tồn nòi giống, văn hóa của mình. Tôi nói ra đây hôm nay, sẵn có dịp có người như cô hỏi, và tôi cũng mong mọi người đọc được lời này của tôi, suy nghĩ xem có thuận lỗ nhĩ không? Xây chùa, nhà thờ, cứu người tạo đức tốt lắm nhưng cộng đồng bên này mà sụp, không còn thì đất đứng của mình ở đâu? Tôi không chỉ trích chuyện làm xa nhưng khuyên mọi người đừng quên chuyện gần!
Ông nói tiếp: “Mấy chục năm nói đến cộng đồng mình thì ngoại quốc họ nói mình chống Cộng biểu tình rầm rộ, làm ăn phát đạt, học hành giỏi giang, giàu có... Nhưng cộng đồng có nhiều nhà thờ, nhà chùa mà không có cơ sở văn hóa... Nay mới có các ông nầy gầy nên cái thư viện mà người hưởng ứng thờ ơ, nhất là những người làm giàu có và trí thức trong cộng đồng. Tôi nói trí thức bằng cấp nhờ khách người Việt ở Little Sàigòn mà làm giàu mà không nghĩ đến cách xây dựng cho mình 1 trung tâm văn hóa chung cho con cháu tìm về, cần đến. Những người nhà giàu này thường khoái tặng tiền cho Hồng thập tự Mỹ có ông cho 2 triệu vụ 911 nhưng cho thư viện xây dựng bảo tồn văn hóa Việt cho chính con em ổng mai sau, nào thấy ông triệu phú họ Trần này đóng góp. Rồi trong danh sách cho tiền tổng thống tranh cử, tiền trại cùi, tiền xứ đạo cho các cố già, tiền trùng tu chùa này chùa nọ ở tận Việt Nam không thiếu tên những ông bác sĩ, luật sư... Nói dại, thế hệ tị nạn này qua đi vài chục năm nữa, nếu không biết lưu tồn văn hóa, bản sắc dân tộc, thì mấy ông bác sĩ, luật sư, thương gia còn sống business khám bệnh, tranh tụng... hái tiền nhờ người Việt mình nữa được không? Bởi vậy đầu tư vào thư viện, văn hóa là lâu dài, là cho mai sau, tốt cho con cháu, giữ được cộng đồng mà còn cộng đồng là còn sức mạnh kinh tế, người làm giàu nhờ Little Sàigòn phải nhận ra điều đó.”
Ông kết luận: “Tôi nói chồng gần không lấy mà lấy chồng xa là như thế ấy...”
Thực tế, tôi muốn góp một ít giúp thư viện. Ông thầy Dõng đưa cho tôi 1 bộ Cổ Tích và nói của Thư viện thực hiện, thầy Trần Lam Giang kể, in làm 3 tập, trên 1100 trang.
Tới đây tôi phải đứng dậy. Vì tôi nhận thấy mình có lỗi. Chẳng những có lỗi với thầy mình mà còn có lỗi với thư viện. Tôi biết, Thư viện đang làm một việc mà trong tâm tưởng tôi và gia đình tôi thường mơ. Mơ mà có người làm cho mình thì mình không đứng dậy kính cẩn là không phải phép.
Cái thư viện lúc tôi mới tới và bây giờ, nó vẫn không có gì mới lạ cả, nhưng tôi gần như bị nó hớp hồn. Tôi còn nhớ thân phụ tôi, lúc còn sinh tiền, vẫn nói: “Ngày xưa Tàu nó đánh mình, chiếm mình, cai trị, đồng hóa mình cả ngàn năm nhưng mình vẫn là Việt Nam các con ạ. Tổ tiên mình oanh liệt vượt trội trên hết thế giới các con có biết không? Ta nói mà không ngại miệng vì lịch sử chứng minh điều ta nói. Tàu diệt cả ngàn nước khác để có nước Tàu khổng lồ ngày hôm nay. Thành Cát Tư Hãn đưa quân Mông Cổ chiếm nửa châu Âu, trọn châu Á mà phải thua danh tướng Trần Hưng Đạo nước ta, tới ba lần. Rồi Pháp lừng lẫy cũng trả độc lập cho người mình sau gần 100 đô hộ... Đền đài kẻ thù đập nát, hủy diệt. Sách vở chúng đốt hết. Chúng còn nhồi sọ bằng những chính sách giáo dục quỷ quyệt để dân mình mất gốc. Nhưng ông bà mình biết cách đối phó và nhờ đó mà mình còn là người Việt cho đến ngày nay. Một trong bí quyết giữ nước, cách ứng xử nằm trong văn học dân gian mà cổ tích là một kho tàng tư tưởng quan trọng...”
Những vị lão thành như cha tôi, rồi thầy tôi, các bạn của thầy tôi nhìn ra điều đó. Và, họ đã thể hiện nó bằng việc làm. Tôi chưa biết ông Trần Lam Giang nhưng thầy Dõng cho biết thầy Giang từng là hiệu trưởng trung học ở Sàigòn, dạy triết và Việt văn.
Tôi hỏi Cổ Tích bán có được không?
Ông Dõng khai rằng hôm phát hành Cổ Tích, thư viện tặng tất cả các trung tâm Việt ngữ trên toàn thế giới, trường nào cũng được tặng bộ Cổ Tích này.
Sợ tôi thắc mắc, ông Dõng chỉ cho tôi xem danh sách một số bằng hữu của Thư viện góp tiền để in bộ Cổ Tích này.
Tôi mừng, dù như ông khách hồi nảy bi quan có lý đi nữa, thư viện vẫn có người nặng lòng với văn hóa dân tộc, vẫn có những Mạnh Thường Quân được lưu danh muôn đời trong các cuốn sách của Thư viện in ra. Danh tánh của Ân nhân lưu trong các cuốn sách quý này sẽ còn mãi với thời gian.
Ông Dõng còn khoe: Trong năm nay, thư viện in xong bộ Bách Việt Tiên Hiền Chí. Đây là bộ sử nói về các danh nhân giống Việt làm nên những kỳ tích, nhất là những đóng góp mà người Tàu nhận là của họ. Nói trắng ra, những đại danh nhân xưa nay tưởng là người Tàu thật ra là người Việt mình...
Khi tôi viết những dòng này, sau khi đọc Cổ Tích do giáo sư Trần Lam Giang kể, và nội dung các bài đặc san, nội san thư viện, tôi hiểu các thầy, các anh, chị trong thư viện đã và đang làm công việc tu thư, biên khảo, phiên dịch để chuyển tới thế hệ con cháu những gia sản chung của tiền nhân Việt Nam mình.
Tôi cầu cho quý thầy, quý anh, chị làm được. Nếu làm không xong thì các em, các cháu tiếp tục. Nhưng tôi tin rằng thành quả của thư viện nay đã nhìn thấy rồi. Khi cháu Tánh yêu cầu tôi viết cảm nghĩ của tôi về Thư viện, tôi hỏi ra nay thư viện đã có năm sáu chục ngàn cuốn sách, hàng ngàn cổ vật, sưu tầm, kỷ vật quý giá... Đây là tài sản chung của mọi người Việt không phải bây giờ mà còn lưu lại mai sau. Ngoài tài sản cũ sưu tập ấy, thư viện còn viết, in sách, biên khảo giá trị... Quả thật quý vị làm được những việc ý nghĩa quá chừng.
Tôi tự nguyện là một thành phần của thư viện, mãi mãi.
Tái bút:
Tôi yêu cầu cháu Tánh, các cháu từng làm “projects” tại Thư Viện Việt Nam hãy bắt chước các Hướng Đạo Sinh, gửi bài làm của các em về cho Thư viện để tàng trữ, lưu niệm. Các em nên viết, bằng tiếng Anh cũng được, cảm nghĩ của các em về thư viện và sự giúp đỡ của thư viện để các em làm bài tập, biên khảo.
(Các em Hướng Đạo đóng bàn tủ, kệ sách để lấy Eagle Scouts, 1 bằng cáo quý của Hướng Đạo Hoa Kỳ. Do đó, bàn, tủ, kệ trại Thư Viện mộc mạc nhưng do bàn tay của Hướng Đạo Sinh VN tự làm ra, rất ý nghĩa)
Tôi viết tới đây, rất cảm kích tác giả Trần Đông Phong, phu quân ca sĩ Ngọc Minh, đã ghi dòng cám ơn Thư viện trong sách của ông. Bên cạnh đó có vài ông học giả mượn sách ở đây, xin tài liệu riêng ở đây mà in sách xong “quên” không nói nguồn tài liệu. Đây là việc làm thiếu thận trọng vậy.