GIỚI THIỆU:
Sau buổi khai trương Thư Viện, anh Bùi Đắc Danh tình nguyện phụ việc chăm sóc sách vở cùng nhóm anh chị em sáng lập và đông đảo các bạn trẻ đã miệt mài nhiều tháng trời để đóng kệ sách, tủ, sơn quét dọn dẹp để có được một nơi “gọi là thư viện”. “Nơi gọi là” chỉ vỏn vẹn vài trăm sq.ft. đi mươi bước là đụng tường. Gọi cái đó là… thư viện là chẳng đặng đừng. Là một Đốc sự tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, anh Danh làm tất cả mọi thứ mà anh thấy anh “gai mắt” phải làm “ngó cho được”. Thế là anh bỏ tiền túi mua sắm búa, mỏ lết, trục vít, cưa, dây điện, bóng đèn… hùm bà lằng để rị mọ làm từ sáng đến chiều… Phải nói là anh Danh là người bỏ nhiều giờ nhất cho Thư Viện suốt 25 năm qua. Ban sáng lập từng nói trước mỗi lần cắt bánh sinh nhựt, “không có anh Danh thì Thư Viện không được như thế này”. Ngay từ đầu Thư Viện không đặt nặng hình thức bề ngoài, không ai có “chức danh” gì cả. Chẳng có ai là giám đốc, giám xúi, cũng chẳng có ai là quản thủ thư viện. Nhưng vai trò của anh Danh vừa bao hàm cả vai trò giám đốc điều hành, vừa là quản thủ thư viện. Khi Thư Viện hết tiền không còn trả lương nổi cho người điều hành, anh Danh làm thay (và chưa giờ có thù lao). Việc mở và đóng cửa, nhất là trong mùa đại dịch, cũng một tay anh Danh. Nhưng điều đáng nói là, anh chưa bao giờ làm phật lòng bất cứ ai đến với Thư Viện, từ độc giả, thân hữu và anh chị anh trong nhóm..
Thư Viện sắp bước qua năm thứ hai mươi lăm. Anh Bùi Đắc Danh đã cùng anh chị em trong nhóm đã kiên trì không biết mệt. Nhưng nhiều người đã không thể cưỡng được với định luật tự nhiên. Nhiều anh đã đi thật xa. Vài anh đã xuống dần sức lực, đi đứng chậm lại. Vài anh cần tới cây gậy ba-ton hay phải vịn bàn mới đứng lên được. Người già người yếu. Thư Viện cũng già theo.
Bài viết này của anh Bùi Đắc Danh đã được đăng trong Kỷ yếu Thư Viện Việt Nam năm 2000, sau một năm Thư Viện ra đời. Giờ đây trích đăng lại, Thư Viện đang chuẩn bị bước sang năm thứ 25 – một phần tư thế kỷ.
Mời bạn đọc những gì anh Bùi Đắc Danh ghi lúc ấy.
Admin lovelittlesaigon.org
Sống tha hương nơi xứ người, bà con mình nhận ra nhau qua tiếng nói. Những lúc gặp da vàng, tóc đen... thấy gần gũi sao đó bèn mạnh miệng chào hỏi trước và vui mừng biết bao khi được nghe trả lời bằng tiếng Việt. Tiếng nói sao mà thân thương, đậm tình dân tộc. Nghe tiếng nói ấy như thấy cả khung trời Việt Nam hiện ra trong mông lung với tiếng reo quà bánh, tiếng nói chuyện trong tiệm nước, lời hàn huyên trong gia đình, tiếng chửi mắng trong hàng xóm, ... và nghe đâu đó một lời ca tân nhạc, một câu vọng cổ, một điệu hò Huế, một tiếng hát chèo... mà nhà thơ Luân Hoán đã “long lanh lệ trào” khi
“... Nhớ đâu đó giọng cải lương bay vào...”
hay
“... Nghe Hoàng Oanh hát như chim gọi đàn...”
(Ngồi Lê)
Cùng nói, cùng nghe, cùng hiểu, cùng thấm thía... nên đã cùng tìm đến nhau, quần tụ cư ngụ gần nhau. Trong cái đồng cảm đó, dần dần bà con cùng nhận ra nhu cầu chữ nghĩa để ghi dấu lại tiếng nói ruột thịt ấy với bao tâm tư, tình cảm của những mảnh đời phiêu bạt mà lòng vẫn còn vương vấn với quê hương. Từ đó, báo chí sách vở, lớp học Việt ngữ, đài phát thanh, đài truyền hình, phim ảnh, “website”, “internet”... lần lượt xuất hiện. Tất cả những thứ đó đều là chữ nghĩa mình. Một môi trường.
Đâu có phải tới lúc nầy mới có chữ nghĩa mình. Có lâu rồi, thân thuộc với nó lắm rồi. Nhưng cuộc đổi đời 1975 khiến nó cũng phải trôi theo vận nước khi có sự xuất hiện, của một thứ tiếng Việt, chữ Việt mà ai mới biết qua đều cảm thấy lạ. Cũng tiếng Việt, chữ Việt nhưng cách xử dụng từ ngữ khi viết cũng như khi nói rất “mới mẻ” đến nỗi hai người Việt Nam có cùng tổ tiên, lịch sử mà lại không hiểu nhau được.
Trước 1954 chữ nghĩa Việt Nam đâu đến nỗi khó hiểu như vậy giữa ba miền Bắc, Trung, Nam. Sau cái gọi là chiến thắng và chắc nghĩ rằng vùng “được giải phóng” như chỗ trủng khô cằn nên dòng chữ nghĩa mới lạ đã ào ạt, tuôn tràn vào Sàigòn. Đến cùng với lời tuyên truyền là văn nghệ ca hát, phim ảnh, sách vở, báo chí... Trong khi những thứ đó Sàigòn cũng có và cũng bằng chữ nghĩa Việt Nam thì bị cấm đoán, tịch thu, hủy diệt vì bị kết án là nọc độc, “tàn dư Mỹ Ngụy”. Thôi thì ráng chịu mà “nuốt” cái mới. Khổ một nỗi là đã cố gắng nhiều mà vẫn “nuốt” không vô, mặc dù được cho biết, riêng về báo chí, có đến mấy trăm tờ đủ loại, nhưng tiếc thay chỉ có cùng một nội dung với cái giọng điệu huênh hoang, không tưởng, cứng nhắc.
Không những người trong nước có cái khắc khoải nhớ nhung chữ nghĩa mình mà người Việt hải ngoại đã thấy “đói chữ” khi rời khỏi quê nhà. Bị dằn vặt bởi nỗi nhớ đất nước, ông bà, họ đã cố moi trong đống hành lý mang theo có cái gì Việt Nam còn lại không. Có, có tiếng nói Việt Nam... và... phải rồi... chữ nghĩa Việt Nam mình nữa. Cho nên ngay từ khi còn đứng trên vùng đất xa lạ, nhóm người Việt 1975 đã tìm đến nhau và cho “hồi sinh” chữ nghĩa mình nơi hải ngoại. Một thứ lai lịch. Rồi nó được củng cố và đượm phần sinh động qua lớp người vượt biên vượt biển cũng như thêm phần phong phú khi có những đợt di dân định cư (1).
Tinh thần của họ được hoàn hồn dần vì ở đây ta gặp lại ta qua chữ nghĩa mình. Với sự bắt đầu và được tiếp nối, chữ nghĩa mình đã được ghi khắc lại, truyền bá, phổ biến bằng đủ loại hình thức và phương tiện trong ý thức bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc đích thực. Một thể hiện chính nghĩa. Những ai còn nhớ ngày ở trại tị nạn, vớ được cuốn tạp chí Việt ngữ nào xuất bản tại hải ngoại là cứ miệt mài, nâng niu như tìm lại được báu vật đã bị đánh mất hay lãng mạn như gặp lại người tình chung thủy đi xa trở về với cái bồi hồi mê đắm của thứ “tân thú bất như viễn qui” vậy. Biết bao lời diễn tả sự quý trọng, cái bâng khuâng, cái vui sướng, cái “đã” khi gặp lại chữ nghĩa thân thuộc ngày nào. Cám ơn chữ nghĩa đã làm cho người như sống lại và sẽ giữ gìn con người trong mai hậu. Ngoài ra, chữ nghĩa mình ở hải ngoại còn mang tính đấu tranh phản kháng lại sự độc tài của nhà cầm quyền cộng sản trong nước, nơi phát xuất thứ chữ nghĩa mới lạ được dùng để tuyên truyền lệch lạc ý thức dân tộc và lịch sử. Theo đó, chữ nghĩa phản kháng hiện hữu như một bài học cảnh giác đồng thời giải bày cho con cháu lý do vì sao ông bà, cha mẹ đã phải đem chúng rời khỏi cội nguồn quê hương yêu dấu và hình thành tại hải ngoại một cộng đồng Việt Nam Tị Nạn Cộng Sản.
Cùng với thời gian và thử thách, chữ nghĩa mình làm nhiệm vụ trên trong điều kiện và hoàn cảnh như thế nào?
Trước hết, không như phía bên kia với sự yểm trợ và lãnh đạo hùng mạnh từ nhân lực đến tiền tài, chữ nghĩa mình “ra trận” chỉ với ý thức trách nhiệm và tấm lòng của công dân đối với đất nước và dân tộc. Một thứ “châu chấu đá xe”. Mặt khác vì đặc trưng phản kháng nên phía bên kia luôn muốn khống chế chữ nghĩa mình.
Với cái thế “lấy thịt đè người” họ dùng mọi thủ đoạn từ tuyên truyền xảo quyệt đến thóa mạ, lèo lái cùng với tà thuật lũng đoạn, lôi kéo, mua chuộc, giăng bẫy những ai yếu lòng đang tâm làm bồi bút quảng cáo cho chữ nghĩa mới của họ hòng khỏa lấp, bịt miệng, vô hiệu hóa chữ nghĩa mình. Sau nữa, giới thưởng lãm chữ nghĩa mình ngày càng ít đi trong “... cái cõi ngày càng hụt người...” và nó mang thân phận của “... cái thứ chữ sẽ thành tử ngữ sau một hai đời lưu vong... cũng như nó đang đi vào...” con đường đã tuyệt lộ rành rành... vì “... giao lưu văn hóa một chiều...” (2)
Bi kịch như vậy nhưng chữ nghĩa mình vẫn cứ lãng mạn, hào hùng và kiên cường tồn tại vì chính nghĩa cùng với ước vọng tìm một chỗ đứng đàng hoàng cho Việt Nam trong thế giới văn minh. Hành trình còn dài, nhiều thế hệ sẽ tiếp nối và chữ nghĩa mình vẫn mang sứ mạng của thứ chính tích hùng hồn và là một kim chỉ nam đáng tin cậy. Có thể một ngày nào đó, con cháu Việt Nam trong và ngoài nước sẽ phải tìm đến “tàng kinh các”, như một Thư Viện Việt Nam nối dài sau 1975 hay một văn khố lưu vong mà không có chánh phủ nào trả tiền công nhưng vẫn cứ cặm cụi sưu tầm, thu thập, bảo tồn, phổ biến một thứ chữ nghĩa Việt Nam mà không cần phải tranh luận gì hết vì tính tự nhiên, nguyên thủy trung thực, trong sáng, hiền hòa và tử tế của nó. Đó là chữ nghĩa mình, một báu vật, tinh thần được bà con mình cùng góp công sức giữ gìn từ bấy lâu nay.
CHÚ THÍCH:
(1) Chuyện dài “Ngắn Cổ Khó Kêu” của Nguyễn Đức Lập, nhà xuất bản Hoa Gấm, Hoa kỳ, 1989.
(2) “Viết như niềm ái ngại”, Cao Vị Khanh, diễn đàn báo Người Việt, ngày 31 – 05 – 2005, phát hành tại California, Hoa kỳ.